|
Anh ta đòi vợ "đền bù thanh xuân" (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
“Tôi đã chuyển vào tài khoản cho anh được 90 triệu rồi, 10 triệu còn lại tôi đang vay, chút nữa bạn tôi chuyển tôi sẽ chuyển khoản nốt cho anh, anh đừng lật lọng đấy”.
Đây là đoạn hội thoại giữa hai vợ chồng ngồi trước mặt tôi trong buổi hòa giải vụ án ly hôn của họ.
Thông qua bản tự khai, lời trình bày trong buổi hòa giải hôm nay, bức tranh về cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng được hiện ra: Sau khoảng ba năm yêu nhau, anh chị tiến tới kết hôn vào năm 2010. Cùng năm này anh chị sinh con gái đầu lòng, đến năm 2012 sinh thêm một bé gái nữa.
Cuộc sống lúc đầu hạnh phúc, đến khi các con đến tuổi đi học thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, cãi vã. Nguyên nhân là do anh luôn thô tục, chửi bới chị và các con khi anh không hài lòng hoặc các con có lỗi, dù là lỗi nhỏ không đáng phải nghe anh nặng lời như thế.
Chị vợ nói với tôi: “Chồng tôi là giảng viên đại học, không biết anh đã dạy gì cho sinh viên, nhưng về nhà tôi chưa bao giờ được nghe lời nào ngọt ngào từ chồng, các con tôi suốt ngày bị anh chửi thề, miệt thị: “Sao chúng mày ngu thế!”. Tôi đã khuyên nhủ anh nhiều lần, cũng đã nhờ hai bên gia đình, bạn bè anh nói để anh chỉnh sửa. Các con tôi là con gái, cần được nhẹ nhàng chỉ bảo, dạy dỗ, nhưng anh không thay đổi mà còn chửi bới mẹ con tôi nhiều hơn. Chúng tôi đã sống ly thân được hai năm nay, hai vợ chồng không còn tình cảm gì, giờ tôi muốn ly hôn thì anh ta kiếm chuyện, đòi tôi phải đưa 100 triệu đồng tiền bồi thường tuổi xuân cho anh ta, anh ta mới đồng ý ly hôn. Chúng tôi không tạo lập được tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nên giờ tôi “bố thí” cho anh ta để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Bởi tôi biết, kéo dài càng lâu, mẹ con tôi sẽ không thể sống nổi và phát điên mất”.
Anh chồng thừa nhận chuyện anh chửi bới thô tục nhưng anh đưa ra lý do: “Tính tôi thế, tôi chỉ ác miệng, nói xong thì thôi chứ tâm tôi không nghĩ gì. Với lại tôi nghĩ là người nhà, có nói nặng lời cũng là để vợ, con tốt hơn, họ sẽ không giận tôi. Ai ngờ vợ tôi ghim trong lòng, kiếm chuyện ly hôn. Muốn ly hôn, tôi đồng ý, nhưng phải chuyển cho tôi 100 triệu đồng vì dù sao tôi cũng đã hết lòng vì vợ con trong những năm thanh xuân của mình. Tòa đừng có hòa giải gì nữa”. Rồi anh ta quay qua hỏi vợ: “Cô đã chuyển nốt cho tôi 10 triệu chưa?”.
Nghe đến đây, với vai trò một thẩm phán, tôi nghĩ việc cố gắng phân tích, hòa giải để hai bên nhìn nhận những khiếm khuyết mà thay đổi nhằm níu kéo cuộc hôn nhân này đã không còn ý nghĩa gì. Bởi tôi biết, trong mắt họ tình yêu thương, trách nhiệm và sự tôn trọng nhau đã không còn, có chăng còn lại chỉ là sự căm ghét, cay đắng và thù hận. Cái giá của “thanh xuân”, cái giá của một gia đình đã từng hạnh phúc đến cuối cùng thì cũng đã “định lượng” được bằng số tiền 100 triệu đồng!
Trong khi ngồi đánh vi tính ghi nhận ý kiến trình bày của các bên, tôi vẫn tiếp tục nghe được những lời trách móc, chửi bới, chì chiết, thậm chí sỉ nhục lẫn nhau của hai vợ chồng. Người ta nói “không ai thương nhau như vợ chồng, nhưng cũng không ai ghét nhau như vợ chồng” quả thật không sai trong trường hợp này. Tôi làm xong biên bản hòa giải không thành cũng là lúc chị vợ nói với chồng: “Tôi đã chuyển khoản cho anh đủ 100 triệu rồi đấy, anh kiểm tra rồi ký ly hôn đi, đừng nói gì nữa”.
Anh chồng nghe tin nhắn báo “tít tít”, cúi xuống xem tin nhắn và nói: “Ok, tôi đã nhận đủ, tôi sẽ ký đơn ly hôn cho cô”.
Họ ký vào các văn bản tố tụng của tòa án để chấm dứt cuộc hôn nhân 12 năm ấy thật nhẹ nhàng, nhưng tôi thấy đau xót biết bao…
Theo Hoa Trà/phunuonline.com.vn