Tiếng là hai vợ chồng nhưng từ ngày kết hôn, Thảo chẳng bao giờ biết chồng mình thu nhập như thế nào. Thảo vốn là con gái út trong gia đình có 3 chị em gái. Vì thế, Thảo không phải đảm nhiệm vai trò "tay hòm chìa khóa" trong gia đình.
Chồng Thảo vin vào lý do đó nên lúc nào anh cũng cho là Thảo đểnh đoảng, không có kỹ năng quản lý. Sau khi kết hôn, anh tự cho mình quyền giữ chi tiêu, cầm trịch mọi việc từ lớn đến bé. Ban đầu, Thảo cũng nghĩ, vợ chồng bình đẳng, người này giữ tiền thì người kia thôi. Nào ngờ, khi đã về sống chung một nhà rồi, Thảo mới biết chồng mình không phải là người tiết kiệm mà thực chất rất hà tiện.
Nghĩ đến đây, Thảo lại càng muốn rơi nước mắt. Từ chỗ đang có việc làm, lương tuy không cao nhưng cũng ổn định, sau khi sinh con, cô nghe lời chồng nghỉ hẳn ở nhà. Chồng cô phân tích, nếu thuê người trông con thì chi phí cũng bằng, thậm chí tốn hơn lương của cô mà vợ chồng vẫn không yên tâm. Trong khi đó, chẳng gì tốt bằng mẹ trông con. Thảo thấy chồng nói phải nên đồng ý.
Một ngày ở nhà, Thảo làm luôn chân luôn tay mà không hết việc. Hết trông, chăm con lại dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước. Thảo cứ nghĩ chồng mình sẽ hiểu và thương vợ nhưng hóa ra, anh lại coi đấy là việc đương nhiên, thậm chí lúc nào cũng nghĩ cô vung tay quá trán rồi nghĩ thêm nhiều việc cho vợ làm chỉ để đỡ phải tiêu tốn tiền.
Một việc tưởng như đương nhiên nhưng với anh lại cho là điều vô lý. Đó là vào giữa tháng nắng nóng, tiền điện tăng lên, đến kỳ thanh toán, anh đã càu nhàu: "Tháng này em làm gì mà tốn tiền điện vậy. So với tháng trước, bị phụ trội thêm 200.000 đồng. Em cứ tiêu pha thế này thì lấy đâu tiền mà trả".
Tháng ấy là đợt nắng nóng kéo dài, Thảo nghĩ thương con nên trưa đến bật điều hòa lên cho con ngủ, khi con dậy là cô vội tắt ngay. Thảo nào có dám xa xỉ vì cô biết, chồng mình cũng vất vả đi làm, tiết kiệm chi tiêu được đồng nào là tốt đồng đó. Thế nhưng, với chồng Thảo như vậy cũng chưa được.
Đêm đến, chồng Thảo cũng cứ thấp thỏm không dám ngủ sâu chỉ để "canh giờ tắt điều hòa". Nhiều hôm, điều hòa vừa bật, hơi lạnh phả chẳng được bao lâu thì anh đã lại tắt luôn, sau đó đóng nguyên cửa vậy cho mát, khiến cả nhà ngột ngạt không chịu nổi...
Mỗi tháng, chồng chỉ đưa cho Thảo 3,5 triệu để chi tiêu trọn gói. Theo tính toán của anh, mỗi ngày, hai vợ chồng chỉ ăn 50.000 vì chỉ có một bữa buổi tối, con nhỏ thì... chỉ là thêm bát thêm đũa. Anh đâu có biết, để chi tiêu trong khoản tiền đó, Thảo phải vất vả tính toán như thế nào.
Thấy Thảo vất vả, bố mẹ và các chị gái rất thương, thường hỗ trợ thêm Thảo. Chồng Thảo dần dần coi đó là việc đương nhiên, lâu lâu anh lại nhắc, sao không thấy ông bà, các bác gửi cho vợ chồng mình thứ gì.
Nếu có về nhà ngoại chơi, anh lại quan sát, xin được gì là xin, lấy được thứ gì về là lấy. Mà không chỉ là lấy mấy món rau dưa, trứng gà trứng vịt bà ngoại gói ghém, anh còn xin cả các đồ dùng trong nhà, kể cả nhà đang có anh cũng xin rồi về cất dưới gầm giường với lý do "nhỡ khi mai này đồ nhà mình hỏng thì có cái mà thay".
Con đến tuổi tập đi, anh bóng gió muốn mua cho con cái xe tập đi mà chưa có tiền để mua. Bà ngoại, các chị thấy vậy lại dúi cho Thảo ít tiền. Số tiền được cho lớn hơn nhiều lần tiền mua xe cho con nhưng anh vẫn cầm hết. Anh ra giấu để Thảo không được từ chối rồi nói thầm vào tai Thảo: "Nhà mình còn khối thứ phải tiêu đến tiền, đã giàu có đâu mà em sĩ diện không nhận".
Thảo ban đầu chỉ nghĩ, thôi thì người trong nhà đùm bọc nhau. Nhưng càng ngày, cô lại càng ngượng với người nhà vì cái tính "hà tiện", "tăng xin, giảm mua" lúc nào cũng kêu khó, kêu khổ của chồng. Anh sẵn sàng chở một xe máy đầy các loại đồ xin được về nhà theo kiểu càng nhiều càng ít.
"Vợ chồng mình phải có tiền để sau này mua nhà to, rồi còn có tiền vốn lo cho con gái. Vì vậy, phải năng nhặt chặt bị nữa em ạ", một tối, anh hứng chí bàn chuyện tương lai với Thảo. Anh đâu biết rằng, cô đã mệt mỏi với sự tính toán, hà tiện, khắc khổ của anh đến thế nào...
Theo PV/ Phunuvietnam