Chồng làm một điều trong đêm tân hôn khiến tôi thất vọng

Google News

Tôi nhìn anh, thực sự ngỡ ngàng và hoang mang tột độ. Chuyện gì đang diễn ra với đêm tân hôn của tôi thế này?

Tôi vốn sinh ra trong gia đình khá giả. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng phải lo lắng về chuyện tiền bạc.

Ngay cả 4 năm đại học, bạn bè làm thêm nọ kia, tôi cũng chỉ vùi đầu vào học. Bố mẹ tôi nói, tôi còn cả đời để làm việc. Bây giờ bố mẹ còn lo được thì tôi không cần phải lo.

Bạn trai tôi xuất thân nghèo khó, là con của một bà mẹ đơn thân. Tôi biết đến anh qua nhóm hoạt động cộng đồng ở trường và phải lòng anh vì sự giỏi giang, năng nổ. Anh là điển hình của sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi, được nhiều thầy cô khen ngợi.

Trong những ngày tháng yêu nhau, chúng tôi không có nhiều thời gian đi chơi như bao cặp đôi khác. Vì ngoài thời gian học, anh còn đi làm thêm việc nọ việc kia để trang trải cuộc sống.

Chong lam mot dieu trong dem tan hon khien toi that vong

Vừa bước chân vào hôn nhân, tôi đã cảm thấy chán chường. (Ảnh minh họa: Getty).

Người ta yêu nhau được bạn trai chiều chuộng, quà cáp này kia, ngày lễ đi ăn nhà hàng, đi "phượt" đó đây. Còn tôi và anh chỉ lang thang ở những quán bình dân, ăn vặt vỉa hè.

Anh nói rằng, cuộc sống anh vốn khó khăn nên đã hình thành cho anh tính tiết kiệm từ nhỏ. Anh không muốn phung phí đồng tiền mình khó khăn kiếm được vào những thứ vô bổ. Hiểu hoàn cảnh của anh, tôi không những không buồn mà còn yêu và thương anh nhiều hơn.

Sau khi ra trường, nhờ tấm bằng loại ưu, anh nhanh chóng xin được việc làm tốt. Còn tôi, nhờ bố mẹ có những mối quan hệ sẵn cũng nhanh chóng xin được chỗ làm ổn định. Cảm thấy tình yêu đã đến thời điểm chín muồi, cả hai quyết định đưa đối phương về ra mắt gia đình hai bên.

Bố tôi lúc đầu không ủng hộ tình yêu của chúng tôi. Bố nói qua tiếp xúc với anh, cảm giác anh là người chi ly, nhỏ mọn. Lấy một người chồng "chắc lép" quá như vậy, chắc chắn khổ nhiều hơn sướng.

Nhưng mẹ tôi lại nói "hoàn cảnh tạo nên con người". Thà lấy người chăm chỉ làm ăn, biết ki cóp, tiết kiệm còn hơn là vớ phải người chồng kiếm được đồng nào tiêu hết đồng ấy. Tôi cũng nghĩ giống mẹ tôi nên đã không ngần ngại nhận lời lấy anh.

Ngày cưới diễn ra êm đẹp, vẹn toàn chu đáo. Đêm tân hôn, sau khi tắm, tôi thả mình xuống giường, cảm nhận hai bàn chân mình mỏi rã rời vì phải đi lại quá nhiều cảm ơn quan khách.

Còn anh vẫn loay hoay với thùng tiền mừng. Rồi anh đưa sổ, đưa bút ra, bảo tôi bóc phong bì, đọc số tiền để anh ghi.

Mỗi khi đọc đến tên ai, số tiền nhiều hay ít, anh cũng đưa ra bình luận: "Hai năm trước, anh mừng nó chừng này, giờ nó cũng trả lại y thế. Hai năm, mệnh giá tiền nó cũng khác rồi", "Ơ sao không thấy phong bì của thằng Hùng, thằng Danh nhỉ? Trước chúng nó cưới vợ, anh có gửi tiền mừng, sao giờ chúng nó lại không đi mình nhỉ?", "Đây, thằng này mừng khá này, bạn bè nó phải thế"…

Nghe những lời anh nhận xét về bạn bè, tôi cũng không biết nên nói gì, chỉ im lặng. Sau khi kiểm xong một đống phong bì, tôi mệt mỏi rã rời chỉ muốn đi ngủ.

Thế nhưng chồng tôi hình như không có ý định đi ngủ. Anh bảo tôi:

- Em ngồi dậy, vợ chồng mình thống nhất vài vấn đề.

- Có vấn đề gì anh cứ nói đi, em nghe đây.

- Thứ nhất, vì mình sống chung với mẹ, hai vợ chồng mình đi làm nên việc cơm nước chợ búa và chi tiêu sinh hoạt trong nhà sẽ nhờ mẹ đảm nhiệm. Mỗi tháng, anh sẽ tùy tình hình giá cả thị trường để quyết định đưa tiền sinh hoạt cho mẹ bao nhiêu.

Thứ hai, kinh tế trong nhà do anh nắm giữ và quản lý. Hàng tháng, em giữ lại một ít tiền xăng xe, điện thoại, còn lại đưa hết cho anh.

Anh biết tính em sung sướng quen rồi, chưa từng phải đong đo tiền bạc. Nhưng khi có gia đình, mình cần chi tiêu tiết kiệm để sau này còn lo cho tương lai, con cái. Em không có kinh nghiệm quản lý tiền bạc nên anh sẽ làm. Ai giỏi việc gì thì đảm nhiệm việc đó.

Thứ ba, anh muốn em hiểu rằng, anh chỉ có mỗi mình mẹ, mẹ đã dành cả cuộc đời này cho anh. Anh hy vọng không vì có thêm em mà quan hệ mọi người trong nhà trở nên tồi tệ.

Với mẹ, em chỉ có việc lắng nghe, làm theo hoặc im lặng, tuyệt đối không được cãi lại hay đối đáp ngang hàng. Nhà anh từ trước đến nay luôn tôn ti trật tự rõ ràng.

Đấy, anh chỉ có vài điều muốn nói với em vậy thôi. Cũng chẳng có gì to tát cả, phải không? Anh tin em sẽ là một người vợ tốt và không để anh thất vọng. Muộn rồi, cả anh và em đều mệt, mình đi ngủ, những chuyện khác gác lại để dành hôm sau nhé.

Nói rồi, anh đặt lưng xuống giường, kéo chăn trùm kín mặt, chỉ vài phút sau đã nghe tiếng anh thở đều.

 

Tôi đã nghĩ về đêm tân hôn lãng mạn và nồng nhiệt. Nhưng sự thật chính là chồng tôi sau khi đếm xong tiền mừng, nói rõ "đạo luật mới" trong nhà rồi lăn ra ngủ, mặc kệ tôi thức hay ngủ thì tùy.

Hơn nữa, những điều anh vừa nói ra, cuối cùng nó hợp lý hay không hợp lý mà tôi lại cảm thấy khó chịu đến thế.

Tại sao cuộc sống của tôi đang thoải mái, được bố mẹ chiều chuộng, sau khi lấy chồng lại chỉ được quyền "lắng nghe, làm theo và im lặng", không được cất tiếng nói hay thể hiện chính kiến của mình?

Tại sao tiền tôi kiếm được lại phải giao hết cho chồng, sau đó cần gì ngửa tay trình bày lý do để xin hay sao? Mà với tính cách của anh, chắc gì muốn "xin lại tiền do mình làm ra" mà dễ.

Chẳng phải thông thường, người phụ nữ thường là "tay hòm chìa khóa" trong gia đình. Sao tôi giống như người làm công cho anh thế?

Đêm tân hôn thường là đêm đáng nhớ nhất của một cặp vợ chồng. Với tôi cũng thế, nhưng là đáng nhớ về một cảm giác tồi tệ.

Tôi nhớ lại lời bố tôi từng nói "Làm vợ một gã đàn ông 'đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành' chỉ có khổ". Đúng là không ai hiểu rõ đàn ông bằng đàn ông. Tiếc rằng tôi đã vì yêu, vì nông cạn mà không nghe lời bố.

Liệu có ai bất hạnh như tôi không, khi ngay đêm tân hôn nhận ra mình đã chọn sai người.


Theo Dân trí