Người phụ nữ nào trước khi lâm bồn cũng đều sợ hãi. Họ sợ những cơn đau, sợ cảm giác một mình và sợ cả những điều bất trắc có thể xảy ra. Lúc này sự có mặt của người chồng là niềm an ủi, động viên rất lớn.
Ngoài một số ông chồng vô tâm, vợ chuyển dạ mà vẫn hồn nhiên lướt facebook, chơi game thì vẫn có những người rất thương xót vợ, luôn bên cạnh vợ trong thời khắc vượt cạn.
Lo lắng, mệt mỏi rồi vỡ òa trong hạnh phúc là cảm xúc của anh chồng Trần Trung Thông (Nghệ An) trong quá trình đưa vợ đi đẻ.
Theo như lời chia sẻ của anh Thông, anh đã chuẩn bị tâm lý sẽ cùng vợ vượt cạn, tìm hiểu kỹ càng cả các thủ tục, dịch vụ tại bệnh viện. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa so với những gì anh tìm hiểu trên mạng.
“12 giờ đêm ngày 10/11/2020, vợ mình bắt đầu có dấu hiệu đó là khi huyết hồng tràn ra ngày càng nhiều. Mình thì đang cố gắng làm cho xong việc và bàn giao công việc lại cho nhân viên. Rồi ráng đợi thêm một chút xem tình hình như thế nào. Vợ bắt đầu run run. Chỉ có thể đứng cạnh rồi ôm vợ.
1 giờ 30 sáng 11/11/2020, huyết càng ngày càng nhiều. Mình chở vợ nhập viện sản nhi luôn. May là hành lý đều sẵn sàng nên chỉ cần nhấc lên là đi luôn”, anh Thông chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh cũng không quên tìm bài hát để có thể làm giảm bớt sự lo lắng, hồi hộp và sợ hãi của vợ. Vì hai vợ chồng anh ở Vinh nên quyết định không gọi cho hai mẹ ở quê vì sợ nửa đêm làm tội 2 bà.
“Thế rồi nhập viện, mọi thứ cũng đơn giản, nhận bộ đồ huyền thoại rồi đi siêu âm khám. Đo độ gò 30 phút nên mình cố gắng đánh 1 giấc để chuẩn bị cho ngày mai nhưng tiếng máy cứ ọt ọt nên mình không ngủ được. Sáng ra hỏi vợ muốn ăn gì thì chưa kịp nói mình đã đề xuất ngay súp lươn. Cũng không biết là vợ mình đói hay ăn để lấy sức chuẩn bị mà ăn còn thừa mỗi hành”, anh chồng hài hước chia sẻ.
Điều đặc biệt là cả phòng chờ chỉ có mỗi anh là con trai, còn lại toàn là các bà các mẹ đi chăm con. “Sáng ra mình báo cho 2 bà ở quê. 2 bà nhanh chóng phi xuống nhưng quy định bệnh viện Nhi là không cho người ngoài vào thăm, chỉ ai có chiếc áo vàng huyền thoại kia mới được vào. Sau mình bảo 2 bà về nhà nghỉ ngơi.
Đến 3 giờ chiều, vợ mình bắt đầu co thắt, mở đến 6 phân rồi nhập phòng. Mình vào theo để giúp vợ. Thay bỉm xong rồi đưa cho vợ thêm 3 cái bỉm theo lời dặn của bác sĩ thế là tung tăng lên phòng đẻ”, anh chồng cho hay.
Anh chồng cứ nghĩ là lên sẽ đẻ liền như trong phim và theo như chia sẻ thì anh lại một mình là đàn ông đợi với tập thể phụ nữ là các bà các mẹ. Mọi người nói rằng con trai không nên ở lại đấy vì như thế vợ sẽ không đẻ được nhưng anh chồng chỉ lo lắng cho vợ. Vừa nóng lòng lo lắng lại vừa mệt nên anh chồng đã dựa tường nghỉ ngơi một chút.
“Nhìn qua khe cửa thấy vợ mình nằm 1 mình, chỉ có 1 cô điều dưỡng đứng bên tiếp nước và sữa. Cứ lần lượt bác sĩ ra báo tin chúc mừng chị Hoa, chị Hữu,... mà mình lại càng lo. 18 giờ 38 phút, bác sĩ ra chúc mừng, cảm xúc lúc ấy khó tả lắm, mình chỉ kịp hỏi bé sinh lúc mấy giờ. Cả bà ngoại bà nội đều vui tột độ và mừng lắm, khóe mắt đỏ hoe.
Nhưng mình chưa được gặp vợ con liền. Lại phải đợi 30 phút để khâu. Rồi bắt đầu công cuộc đi xin sữa non (vợ đẻ ra chưa có sữa liền phải đi xin sữa của mẹ bầu khác)”, anh Thông cho hay.
Anh Thông đã đồng hành cùng vợ ở thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời, lúc thể hiện rõ nhất những cảm xúc thiêng liêng của tình yêu thương gia đình. Đây sẽ là kỷ niệm theo suốt cuộc đời của vợ chồng anh.
“Trong lúc chuẩn bị sinh thì nóng ruột vì đợi lâu. Khi sinh bác sĩ quay clip gửi cho thì sướng lắm. Gặp phát là vợ khóc. Cũng khó tả. Nhưng mà sướng lắm, sướng hơn cả lúc Việt Nam vô chung kết năm 2018”, anh Thông chia sẻ.
Được biết, em bé tên là Trần Nguyễn An Nhiên, tên gọi ở nhà là Milk. Tính đến hiện nay bé đã được gần 3 tháng tuổi.
Từ khi có bé thì cuộc sống của gia đình trẻ có nhiều sự thay đổi, anh Thông cũng cố gắng sinh hoạt lành mạnh, ít đi nhậu để có thêm thời gian chăm sóc vợ con.
Theo Infonet