Đối với người chồng đầu ấp má kề mỗi ngày thì khi còn yêu, còn tin, phụ nữ có thể sẵn sàng hi sinh bản thân để lo cho tổ ấm. Ngược lại nếu niềm tin của họ đã bị nửa kia phản bội thì sự phản kháng của phụ nữ sẽ mạnh mẽ.
Người vợ trong 1 diễn đàn tâm sự: "Sau khi sinh bé đầu lòng, em hầu như không có thời gian dành cho bản thân vì chồng đi tối ngày, không đỡ vợ việc nhà bao giờ. Bên ngoài nhìn vào tưởng anh ấy là sếp lương cao chứ thực tình thu nhập của chồng em cũng chỉ bằng vợ, không hơn. Trong khi em phải gánh thêm cả 1 combo việc nhà mà chưa bao giờ lên tiếng bì tị. Bởi em nghĩ vợ chồng mỗi người 1 gánh nặng riêng, đỡ đần nhau được gì thì đỡ chứ so đo làm gì cho mệt. Miễn anh ấy biết nghĩ tới vợ là được".
Bài chia sẻ của người vợ
Nghĩ như thế nên người vợ này chấp nhận thay chồng lo toan gánh vác mọi việc trong suốt bao nhiêu năm chẳng quản vất vả. Cô vẫn tin vào câu "vợ có công, chồng chẳng phụ", vậy mà tới một ngày cô lại đau đớn nhận ra, công cô vì chồng rất nhiều nhưng chưa hẳn anh ấy đã biết ghi nhận.
Cô kể: "Tháng trước mẹ chồng em bị đột quỵ dạng nhẹ, phải nằm viện hơn chục ngày. Vẫn như mọi khi, bố mẹ chồng ốm đau thế nào chỉ mình em chăm là chủ yếu, chồng em bận việc, chạy đi chạy lại tí nào hay tí đó. Lần này anh ấy bảo phải trực đêm ở công trường, em phải gửi con về ngoại để đêm vào viện trông bà.
Ngày thứ 9 bà nằm viện, 11h trưa chồng em mua hộp sữa bột vào cho mẹ với 1 hộp cơm cho vợ. Hai đứa đang ngồi nói chuyện, bác sỹ gọi gặp người nhà để trao đổi về tình trạng sức khỏe của bà. Chồng em mau mải đi, để lại điện thoại trên ghế. Đúng lúc có người gọi tới, em nghe thay nhưng còn chưa kịp lên tiếng, đầu dây bên kia 1 giọng phụ nữ đã õng ẹo mặc cả: 'Nhớ qua đón em đi ăn nhé. Em cũng đặt phòng rồi'.
Em choáng nhưng vẫn đủ tỉnh táo giữ im lặng tắt máy coi như chồng mình nghe. Chồng em về, anh vội vàng lấy lý do phải quay lại công ty giải quyết việc, em cũng vờ vui vẻ dạ vâng để lẳng lặng bám sau theo dõi. Vì sức khỏe mẹ chồng em ổn định rồi, ban ngày bà ở 1 mình không sao nên em nhờ chị cùng phòng để mắt tới bà giúp, có gì thì gọi em.
Từ bệnh viện chồng em tới thẳng quán ăn với người phụ nữ kia. Anh với cô ta đặt bàn ngay sát cạnh cửa quán, em đứng bên này đường quan sát được cả. Ăn xong, họ lại chở nhau đi, em đoán chắc là tới nhà nghỉ, định theo bắt quả tang tại trận luôn nhưng đúng lúc bệnh viện gọi em làm thủ tục nộp thêm viện phí cho mẹ chồng, em đành quay lại.
Trưa hôm sau, anh ấy vào viện thăm mẹ không thấy vợ ở đó liền gọi điện quát ầm mắng em lơ là, không chăm mẹ chu đáo. Em chẳng buồn đáp lại mà gửi cho chồng ảnh em đang ngồi cùng người tình của anh ta rồi nhắn: 'Tôi đang bàn giao chức con dâu nhà anh cho người tình bé nhỏ của anh. Để tí tôi dẫn cô ta về chăm mẹ thay tôi luôn'.
Hôm trước tuy không bắt quả tang được chồng nhưng số điện thoại của cô ta em đã lưu lại để hôm sau giả danh chồng nhắn tin hẹn ả đi cafe. Ả có gia đình rồi nên bị em dọa sẽ nói cho nhà chồng biết thì sợ hãi. Còn chồng em hiểu quá rõ rằng không thể chối cãi được cũng cuống cuồng gọi lại giải thích van xin, song tất nhiên không đời nào có chuyện em tha thứ".
Bị chồng phản bội chính là nỗi đau lớn nhất mà không một người phụ nữ nào có thể dễ dàng chấp nhận. Nhất là khi họ đã vì người đàn ông ấy hi sinh quên bản thân mình. Do vậy, người vợ trong câu chuyện trên cương quyết không dung thứ cho sự bội bạc của chồng cô là điều ai cũng có thể hiểu được. Vậy nên mày râu đừng bao giờ thử thách lòng bao dung cũng như sức chịu đựng của vợ mình vì khi họ đã không còn niềm tin nữa các anh sẽ mất hết.
Theo Hải Hương/Pháp Luật & Bạn Đọc