Chưa chứng minh uống nước cứng bị sỏi thận

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều hộ gia đình khu vực Hoàng Mai (Hà Nội) lo lắng nước trong khu vực khi nấu lên bị đóng cặn trắng gây nên sỏi thận, tắc động mạch. 

Mất cảm quan, gây lo lắng
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (Mai Động, Hà Nội) bấy lâu nay vẫn lo lắng về chất lượng nước máy đang sử dụng. Bởi ngoài yếu tố thỉnh thoảng có cặn bẩn thì nước đun sôi chứa rất nhiều cặn trắng. Cụ thể, chiếc ấm đun nước được chị cọ hằng tuần nhưng sau đó lại đóng mảng cặn dày phía dưới đáy. Phần nước cuối bình chứa bao giờ chị cũng phải đổ bỏ. Tương tự, thùng của máy giặt cũng bị đóng cặn trắng khi tháo ra. Gương kính trong nhà vệ sinh khó trong suốt do cặn đóng dù mới lau chùi. Để giải quyết vấn đề này, gia đình chị đã phải mua chiếc máy lọc nước ăn hàng ngày.
"Cặn nhiều không những gây khó chịu trong đời sống mà còn khiến chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ. Liệu có hay không, chất cặn này khi vào cơ thể sẽ tạo thành sỏi thận hay gây tắc động mạch? Bởi mức loại bỏ thông qua máy lọc nước ăn là không thể hoàn toàn", chị Thúy cho hay.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nước bị cặn trắng sau khi nấu còn gọi là hiện tượng nước cứng. Nguyên nhân tạo nên do nguồn nước có chứa nhiều ion canxi và ion magie. Thông thường những vùng nước khai thác có nhiều đá vôi sẽ xảy ra hiện tượng này. Theo khoa học, có ba loại nước cứng, tuy nhiên dù loại nào chúng cũng chứa tác hại nhất định đến sinh hoạt của người dân. Ví dụ, thành phần ion canxi và ion magie tương tác với thành phần muối tạo nên các kết tủa như kết tủa với xà phòng làm quần áo dễ bị ố màu, ít bọt, giảm hiệu quả xà phòng giặt. Khi đun nấu làm đóng cặn, giảm hiệu quả thiết bị, gây tốn điện, mất mỹ quan như bình đun nước nóng, máy giặt. Hay nước cứng cũng phần nào làm giảm mùi vị thức ăn, tuy không nhiều lắm... 
"Đối với cuộc sống hằng ngày của người dân chủ yếu bị phàn nàn về đóng cặn gây mất mỹ quan hoặc nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ chứ chưa chú trọng đến các thiết bị. Cũng có một số nghi ngờ về việc những khu vực dân cư bị sỏi thận nhiều có nguồn nước cứng cao", PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết.  
Uong nuoc cung co hai khong chua the chung minh
Nước bị cặn trắng sau khi nấu còn gọi là hiện tượng nước cứng. 
Chưa chứng minh gây bệnh
Ở quan điểm khác, PGS.TS Trần Hồng Côn, chuyên gia về nước thuộc Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, quan niệm dân gian cho rằng nước cứng có thể là nguyên nhân gây sỏi thận, tắc động mạch nhưng khoa học chưa chứng minh được điều này. Bệnh sỏi thận chủ yếu do chuyển hóa của cơ thể với canxi không tan. Tùy vào từng cơ địa sẽ có sự chuyển hóa khác nhau để hình thành bệnh. Trong khi đó, nước cứng chứa canxi tan. Chúng chỉ tạo cặn 
cabonat khi có phản ứng hóa học giải phóng CO2 thông qua làm nóng. Trong cơ thể con người, phản ứng này không xảy ra. Ngoài ra, các cụ ngày xưa ăn trầu dùng vôi thường xuyên nhưng cũng không phải bị sỏi thận tất cả.
Đối với nước sinh hoạt và nước ăn, hàm lượng cho phép của chất này khá cao, dưới 500mg/lít đối với nước sinh hoạt, dưới 300mg/lít đối với nước ăn.  
Để loại bỏ thành phần ion canxi và ion magie trong nước giếng khoan một cách đơn giản, PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, trong quá trình lọc cho thêm đá vôi. Độ pH tăng làm canxi kết tủa nhanh. Lúc này người dân loại bỏ bằng cách lọc cặn lơ lửng như bình thường. Còn nước máy chủ yếu loại bỏ bằng cách đun sôi. 
Chị Nguyễn Thị Xuân, Hàng Mành, Hà Nội chia sẻ: "Để loại bỏ nhanh cặn vôi bám chặt ở máy giặt, phía dưới ấm đun... người dân có thể cho giấm hoặc nước ngô ngâm qua ngày".  
Vân Đài