“Làm ra tiền thì biếu bố mẹ nhiều vào”, “Công bố mẹ đẻ ra nuôi lớn thì báo hiếu là đúng rồi”, “Lên thành phố có tiền thì phải gửi về cho gia đình chứ”...
Đó là những câu nói vô cảm mà tôi phải nghe liên tục suốt bao năm qua. Toàn người thân quen chứ chẳng phải ai xa lạ. Thay vì sống tốt cuộc đời riêng của mình thì họ cứ chăm chăm soi mói tôi - cô gái duy nhất lấy chồng thành phố trong cái xóm nghèo vùng quê.
Tôi thừa nhận mình cũng từng có ý nghĩ lấy chồng giàu để thoát khỏi nghèo khổ. Thế nhưng tôi không phải đứa biết toan tính, chuyện gì cũng thật thà lộ ra mặt nên chẳng lừa được ai. Song cũng nhờ thật thà mà tôi lấy được một người chồng tốt, xuất thân gia cảnh cũng không tồi.
Năm nhất đại học vừa lò dò lên thành phố thì tôi đã phải tìm việc làm thêm để kiếm tiền. Nhà 4 anh chị em, tôi là đứa thứ 2 nên cũng phải san sẻ gánh nặng kinh tế với bố mẹ. Tôi nhớ hồi ấy phụ việc quán ăn mỗi tháng được 1 triệu tròn. Gửi về nhà 600 nghìn, còn lại 400 tôi tằn tiện lo ăn uống. Ở phòng trọ 700 nghìn/ tháng cũng bị bố mẹ than thở là quá đắt, sau tôi phải ở ghép với mấy đứa bạn cùng quê.
Anh cả tôi chơi bời lêu lổng nên mãi chẳng có công ăn việc làm. Bố mẹ tôi ngoài làm ruộng thì nuôi thêm gà, bán rau quả. Tiền kiếm không được bao nhiêu nhưng bố với anh trai rất ham mê nhậu nhẹt, còn mẹ tôi thì thích may đồ mới. 4 năm đại học tôi chẳng sắm cho mình nổi chiếc áo nào nhưng mỗi lần về quê lại thấy mẹ khoe cả chục bộ đồ mới. Tôi toàn mặc đồ thừa của mẹ cho tiết kiệm, cũng nhắc mẹ bớt chi tiêu không cần thiết. Nhưng mỗi lần tôi nói là mẹ lại lấy lý do khổ mãi rồi nên muốn ăn mặc đẹp cho đỡ khổ.
2 đứa em tôi thì từ lúc lên cấp 2 đã biết đua đòi theo đám bạn xấu, suốt ngày xin tiền tôi để tiêu vặt. Chúng đòi mua xe điện, mua quần áo giày dép trên mạng, đòi mua điện thoại xịn để chơi game. Không cho thì chúng nó cáu gắt khó chịu, ăn vạ khóc lóc đủ kiểu. Mà cho thì tôi cũng chẳng đáp ứng được hết.
Nói chung từ lúc lên thành phố thì tôi cảm giác mình như “cây ATM” của cả gia đình vậy. Hầu hết nội dung tin nhắn và những cuộc điện thoại của tôi với mọi người ở nhà đều xoay quanh tiền bạc. Thậm chí giờ bố với anh trai tôi ngày càng lười hơn, không muốn đụng tay chân vào việc gì mà chỉ muốn đợi đến ngày tôi có lương để hỏi.
Chán nản nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ. Dù sao cũng là người thân ruột thịt, khó chịu đến mấy thì tôi cũng không thể vứt bỏ. Tốt nghiệp xong tôi may mắn tìm được việc lương ổn định. 12 triệu sống ở đất thủ đô cũng không dễ dàng gì.
Từ lúc biết tôi lương cao gấp 10 lần hồi đi làm thêm thì mọi người trong nhà ngày càng đòi hỏi. Bố mẹ yêu cầu tôi gửi về 2/3 số lương nhưng tôi không chịu, một nửa thôi đã là hết sức rồi vì tôi còn phải gánh tiền nhà thuê, sinh hoạt phí, xăng xe đủ kiểu nữa. Chưa kể cái xe máy mua trả góp, lãi hàng tháng tôi cũng phải tự xoay. Hồi đi học mẹ còn cho bập bõm vài trăm nghìn để tiêu nhưng suốt mấy năm nay thực tế tôi mới là người nuôi ngược lại gia đình.
Giữa nhịp sống tẻ nhạt vật lộn gồng mình ấy, tôi bỗng dưng gặp được một người mang đến hạnh phúc cho mình. Anh xuất hiện vào những tháng ngày tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi gặp anh trong một buổi triển lãm, cả 2 đều là khách đến tham quan.
Anh không điển trai nhưng cao ráo và có gu ăn mặc. Cách nói chuyện của anh toát lên sự hiểu biết nhưng lại rất khiêm tốn. Tôi thích anh ngay từ cái nhìn đầu tiên mà chẳng dám bắt chuyện. Anh là người chủ động xin danh thiếp của tôi và sau đó ít lâu anh cũng chủ động tỏ tình.
Biết tôi có bạn trai thì bố mẹ tỏ ra sốt sắng lắm. Thế nhưng điều duy nhất họ hỏi tôi là nhà bạn trai có giàu không. Tôi chậm gửi tiền thì bố mẹ cứ giục đi vay bạn trai khiến tôi khó xử.
Chính vì áp lực gia đình không mấy hay ho nên tôi quyết định đòi chia tay. Bạn trai hỏi lý do mà tôi không dám nói. Tôi né tránh gặp anh và bảo sau này đừng gặp lại nhau nữa.
Tưởng bạn trai sẽ chán rồi buông tay nhưng không ngờ anh lại âm thầm dò hỏi thông tin từ bạn bè tôi. Sau khi biết chuyện thì anh không đồng ý chia tay, bảo tôi cứ dựa vào anh, khó khăn cứ chia sẻ để anh giúp đỡ, không cần phải một mình gồng gánh tất cả.
Tôi ngại không muốn phiền nên từ chối. Tuy nhiên bạn trai lại nói rằng tôi tự tạo áp lực cho bản thân quá nhiều. Hoàn toàn có cách giải quyết nhưng tôi không dám mạnh mẽ đối mặt với gia đình mình mà thôi. Tôi thấy anh nói đúng nên không dám ý kiến gì nữa.
Vì cắm đầu làm việc quá lâu nên tôi chẳng rõ mục đích sống của mình là gì. Tháng nào không đưa tiền là bố mẹ với em gái nhắn tin trách móc, thậm chí còn nói tôi giấu tiền đi để ăn ngon mặc đẹp. Chưa bao giờ thấy họ hỏi thăm sức khoẻ tôi ra sao, ăn uống thế nào, cuộc sống có vui vẻ thoải mái hay không. Họ chỉ cần mỗi tiền.
Năm nay kinh tế khó khăn nên thu nhập của tôi cũng bị ảnh hưởng. Tuy không bị cắt giảm biên chế nhưng hiện giờ mỗi tháng tôi chỉ còn 10 triệu tiền lương. Tôi phải nhận thêm việc bên ngoài để có thêm khoản tiết kiệm.
Bạn trai thấy tôi bận rộn vất vả thì xót lắm. Anh nói tôi cứ làm ít đi rồi anh hỗ trợ thêm nhưng tôi không muốn lợi dụng lòng tốt của bạn trai. Tôi tính nếu có thưởng Tết thì mang về biếu bố mẹ 10 triệu, cho các em mỗi đứa vài trăm, kèm theo ít bánh kẹo đồ dùng Tết nữa.
Thế nhưng chưa kịp tính toán xong thì hôm nay mẹ gọi điện. Như thường lệ bà vẫn chẳng hỏi han xem con gái như nào và thông báo luôn một chuyện khiến tôi ngỡ ngàng. Bà bảo sau Tết sẽ đập nhà cũ đi để xây nhà mới, muốn "con rể tương lai" về ra mắt kèm theo 600 triệu làm quà (?!?)
Tôi quá sốc trước yêu cầu vô lý này nên hỏi lý do tại sao mẹ lại nghĩ ra khoản tiền lớn như thế. Bà mắng tôi dại không biết gì, 600 triệu này là để thử lòng bạn trai tôi, đồng thời cũng là khoản đóng góp chi phí xây nhà mới.
Đương nhiên là tôi phản đối chuyện đó và bảo mẹ dẹp ngay ý tưởng thử lòng ấy đi. Thiếu gì cách để thử, đâu cần thiết phải moi hơn nửa tỷ từ bạn trai tôi? Chắc gì chúng tôi đã cưới nhau cơ chứ!
Bỗng dưng tôi thấy sợ hãi chính người thân của mình. Họ vắt kiệt tôi chưa đủ mà còn muốn lấy cả của người ngoài nữa. Hình như họ mặc định báo hiếu bằng tiền là nghĩa vụ của tôi mà không hề quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của con gái. Bố mẹ cứ tham lam như thế thì chắc cả đời này tôi cũng không dám lấy ai thật...
Theo Tiểu Ngạn/Phụ Nữ Việt Nam