Gia đình hai bên đã ấn định ngày cưới nhưng thời gian này cô băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều về việc có nên bước vào cánh cửa hôn nhân không. Càng ngày, cô và anh càng có những khác biệt trong cuộc sống. Cô khó chịu nhất khi chuyện gì của hai người anh cũng đều nói với mẹ.
Cô không thể hiểu người đàn ông đã trưởng thành như anh nhưng lúc nào cũng như đứa trẻ chưa lớn. Từ bé, anh được mẹ yêu chiều, bao bọc nên khi lớn anh vẫn giữ thói quen "mẹ là nhất, kể với mẹ mọi chuyện". Có những chuyện rất tế nhị của cô và anh hay những lần cô và anh tranh luận, cãi vã, anh đều kể với mẹ. Mẹ anh thì luôn coi anh là con cưng. Chính vì vậy, thấy con trai kể chuyện bị "con dâu tương lai" bắt nạt, mẹ anh đã không ngần ngại gọi điện "hỏi tội" cô. Hay có lần anh bị đau bụng cũng kể với mẹ, mẹ anh lại trách móc cô nấu ăn không đảm bảo, không biết lựa chọn thực phẩm an toàn...
Cô và chồng tương lai còn thường xuyên mâu thuẫn về chuyện tiền bạc. Việc anh quá tính toán, sòng phẳng với cô từng đồng khiến cô thấy không thoải mái. Cô cũng làm ra tiền. Cô không phải là kiểu người sống dựa vào người khác. Vậy mà, có những lúc thiếu tiền, phải vay anh khoản nhỏ, anh cẩn thận ghi sổ nợ, cô thấy "gợn gợn".
Cô và chồng tương lai vẫn đang ở nước ngoài. Cô dự định sẽ học cao hơn và ở bên đấy một thời gian. Thế nhưng, mẹ chồng tương lai nằng nặc bắt cả hai về nước. Bà muốn vợ chồng con trai phải sống cùng mình thì bà mới yên tâm. Bản thân cô rất yêu anh. Thế nhưng, cô cảm thấy mệt mỏi khi mẹ chồng tương lai can thiệp quá sâu vào cuộc sống của mình. Mường tượng đến viễn cảnh chồng ho, chồng ốm, cô bị mẹ chồng mắng xối xả là không biết chăm sóc con trai bà, cô thực sự thấy lo. Chưa ở chung, chưa làm dâu, cô và mẹ chồng đã có mâu thuẫn. Ở cùng nhà, không biết 2 người phụ nữ sẽ mâu thuẫn thế nào. Chồng cô là người "phụ thuộc" vào mẹ, chỉ có mẹ đúng, chỉ có mẹ là nhất, cô biết chắc hôn nhân của mình không thoát khỏi "sóng gió". Vì thế, cô không biết mình phải quyết định thế nào cho bước ngoặt quan trọng của cuộc đời.
Theo Bảo Khuê/ Phunuvietnam