Mới đây, trong cuộc livestream tán gẫu với người hâm mộ, Trấn Thành đã nhắc đến một nữ ca sĩ mà anh rất yêu mến - danh ca Như Quỳnh.
Danh hài Trấn Thành cũng bất ngờ giải thích việc Như Quỳnh gặp sự cố khi hát live là do tình trạng sức khỏe đặc biệt là chứng bệnh mất ngủ và thường xuyên phải sử dụng thuốc điều trị.
Thậm chí, do uống thuốc quá nhiều nên thỉnh thoảng Như Quỳnh bị stress, tuột can xi, co giật, động kinh.
Trước đó, chia sẻ với truyền thông, Như Quỳnh cũng từng tâm sự về chứng bệnh mất ngủ suốt 20 năm vì lịch trình diễn dày đặc, thậm chí có những hôm chỉ có 2 tiếng để nghỉ ngơi nhưng vẫn phải cố gắng chợp mắt để không đảm bảo bị khan tiếng.
Các bác sĩ cho biết, việc mất ngủ kinh niên kết hợp lạm dụng thuốc ngủ có thể kéo theo hàng loạt căn bệnh nguy hiểm, thậm chí tăng nguy cơ đột quỵ.
Mất ngủ thường xuyên có thể gây chết người
Mỗi ngày, con người cần phải ngủ từ 7 - 8 tiếng. Vì thế, trong trường hợp nữ ca sĩ Như Quỳnh chỉ ngủ 2 tiếng một ngày trong suốt một thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Kết hợp với việc lạm dụng thuốc ngủ quá nhiều, sẽ gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Kéo theo đó là tình trạng lo âu, căng thẳng kéo dài, thậm chí có thể gây trầm cảm. Và bằng chứng là ca sĩ Như Quỳnh nhiều lần rơi vào tình trạng stress, mất giọng.
PGS.TS Vũ Anh Nhị - Trưởng bộ môn Thần kinh Đại học Y dược TPHCM cho biết, mất ngủ sinh ra bệnh lý lo âu, gây rối loạn trầm cảm, tỷ lệ đau đầu mạn tính tăng lên. Mất ngủ kéo dài mạn tính sẽ gây nên thoái hóa tế bào, ngộ độc tế bào, nhưng không thể gây ra đột quỵ.
Nguy cơ đột quỵ đến từ quá trình thứ 2, mất ngủ gây nên bệnh tim mạch, cao huyết áp. 60% người mất ngủ bị béo phì, dẫn tới tiểu đường. Đặc biệt người gầy mà mất ngủ sẽ tăng cholesterol, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy ngủ không đủ giấc gây ra bệnh ung thư vú và nhiều loại ung thư khác. Nguyên nhân là do khi thiếu ngủ, các gốc tự do không được loại bỏ triệt để có khả năng hủy hoại các tế bào và gây ung thư. Ngoài ra, thiếu ngủ còn gây tích tụ độc tố trong cơ thể, góp phần không nhỏ vào việc phá hủy cơ thể.
Làm thế nào để có giấc ngủ ngon?
Các bác sĩ khuyến cáo, để chữa trị rối loạn giấc ngủ trước tiên cần áp dụng phương pháp vệ sinh tâm lý giấc ngủ như tạo thói quen thức ngủ đúng giờ, không sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia vào buổi tối. Đồng thời, tránh các căng thẳng tâm lý, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý, hài hoà tránh quá mức.
Trước khi đi ngủ dùng các phương pháp gây êm dịu cổ truyền như: bấm huyệt, xoa bóp, tắm nước ấm… Ngoài ra có thể áp dụng các liệu pháp tâm lý như thư giãn, luyện tập, âm nhạc,…
Chỉ sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ khi có chỉ định của bác sĩ. Bởi, lạm dụng thuốc ngủ có thể khiến người bệnh "nghiện" thuốc, từ những cơn mất ngủ thoáng qua thành mất ngủ mạn tính, mất ngủ bệnh lý, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, nên đi điều trị trong 1-3 tháng đầu tiên khi thấy cơ thể bắt đầu có triệu chứng mất ngủ để đảm bảo an toàn và tránh hệ lụy lâu dài.
Theo An An/ Lao động