Năm nay tôi ăn tết không vui. Anh là người lên kế hoạch mua vé về ngoại trước rồi Mùng 1 qua nhà nội. Đùng một cái anh tuyên bố tết này về nội, tết năm sau về ngoại, khiến tôi và con chưng hửng.
Sau một hồi thương thảo, anh vẫn giữ lập trường, và tôi dứt khoát: “Tùy anh, nhưng mẹ con em sẽ về ngoại trước”.
|
Mệt mỏi với chiến tranh lạnh vợ chồng(Ảnh minh họa) |
Chuyện là thế, nhưng ra tết chồng tôi trở nên lặng lẽ, ít nói cười. Tôi ngứa máu, cũng chẳng buồn hỏi đáp. Chiến tranh lạnh cứ thế nhen nhóm và cháy thành cao trào hôm tôi rủ anh đi đám cưới bạn thân.
Thực lòng, lúc đó đang giận nên cũng chẳng muốn anh đi cùng, nhưng vì chỗ quen thân, họ chủ tâm muốn vợ chồng con cái đi, nên tôi mới đặt tấm thiệp lên bàn làm việc của anh như ngầm ý. Anh phớt lờ và xem như chẳng có chuyện gì xảy ra, mặc cho 3 mẹ con ngồi trên taxi nóng ruột.
Từ hôm ấy, tôi không thèm nhìn mặt anh. Áo quần của anh có giặt, phơi rồi treo ở góc nào tôi không thèm để ý. Đến bữa dọn ra, anh có ngồi ăn hay không, tôi mặc kệ, tôi chỉ biết các con ăn xong là dọn dẹp rồi lên phòng. Thậm chí anh về nhà mấy giờ, nhậu say rồi nằm lăn quay ra trước hiên nhà tôi cũng chẳng bận tâm.
Cảm giác giận, chán cứ đan xen khi bạn bè lại khoe: “Tao mà giận 1 lúc là lão chồng đã xoắn cả lên chẳng cần biết ai sai ai đúng”. Chồng người ta là thế, còn chồng mình thì…
Tôi điền sẵn vào lá đơn ly hôn lấy từ trên mạng xuống. Cũng cân nhắc về chuyện con cái, cha mẹ nhưng vợ chồng mà không có tiếng nói chung thì thực sự mệt mỏi, bế tắc. Hơn hai tháng nay, con cái cũng buồn lây vì mẹ nó chẳng vui. Càng chán nản hơn khi cơ thể tôi có dấu hiệu mệt mỏi, cơ bắp rã rời. Đi làm về, tôi chỉ kịp dặn thằng cu lớn lấy sữa cho em uống rồi tìm gì đó ăn tạm. Tôi lịm đi lúc nào không hay.
Sáng ra tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Thì ra đêm qua bị sốt cao, người đưa tôi vào viện là anh. Nhưng rồi anh lại đi đâu, làm gì, tôi nhìn quanh không thấy, nỗi buồn cứ thế lại nhói lên cùng nỗi lo sợ: nếu tôi bị nhiễm COVID-19, các con ở nhà sẽ ra sao?
Tôi định ngồi dậy thì một bàn tay đặt nhẹ lên vai, mùi quần áo quen khiến tôi giật mình. Anh lúi húi đặt tô cháo lên bàn, ra hiệu cho tôi ngồi yên. Không phải cháo mua, mà chính tay anh nấu. Tôi như bị đơ ra, ngoan ngoãn để anh đút cho từng thìa. Giận đã có phần nguôi, nhưng tự trọng vẫn còn nên tôi xem việc ăn như chiếu lệ.
Đàn bà có giận chồng cỡ nào cũng mủi lòng khi được chăm sóc(Ảnh minh họa)
Đàn bà có giận chồng cỡ nào cũng mủi lòng khi được chăm sóc(Ảnh minh họa)
Mấy ngày ở lại bệnh viện để theo dõi, lấy mẫu máu, tôi may mắn chỉ bị cảm cúm thông thường. Kế hoạch ra viện buổi chiều, nhưng sáng ra bác sĩ đã cho về trước, tôi không muốn phiền anh nên gọi taxi về.
Mới nằm viện mấy ngày mà thấy phố xá trở nên khác lạ. Đang mùa dịch bệnh nên số lượng người lưu thông trên đường vơi đi rất nhiều, chỉ thấy bóng dáng của những anh Grab hay shipper là tất bật. Nhưng mắt tôi hoa lên khi vừa thấy bóng của ai đó rất quen với thùng hàng phía sau vụt qua. Tôi hẫng cả người.
Dù sức khỏe đã ổn nhưng tâm bệnh lại nặng hơn, nhìn tô cháo chồng bưng lên mà tôi ứa nước mắt. Anh ngạc nhiên nhìn tấm ảnh tôi chụp trên điện thoại, rồi kéo ghế lại ngồi. “Em thấy rồi nên anh không giấu nữa. Anh thất nghiệp đã 3 tháng nay nên chẳng còn tâm trạng đi đâu. Đã nộp hồ sơ ở vài ba chỗ, tiếc là đang dịch bệnh, phỏng vấn cũng bị dời lui, đứa bạn cùng cơ quan rủ chạy shipper nên anh theo nó”.
Tôi nhìn anh vừa giận vừa thương. Giá anh nói lý do sớm hơn thì tôi đâu đến nỗi đưa cái tự ái của mình lên ngút trời như vậy. Nếu anh đừng đưa lương đều như trước nay thì tôi đã không ngửa tay lấy những đồng tiền mặn mòi mồ hôi và ẩn chứa rủi ro dịch bệnh…. Và giá như tôi xuống nước quan tâm chồng một chút, biết đâu anh dễ dàng cởi mở hơn.
Rút tờ đơn đã kí phần mình, tôi xé đi trước sự ngây người của anh. “Từ mai, anh đừng chạy xe nữa nhé, cơ quan em cũng đã cho nghỉ dịch rồi. Tranh thủ thời gian này chúng ta cần nghỉ ngơi để tái tạo… hôn nhân”, tôi vừa nói vừa nhìn anh. Anh gật đầu và giục: “Cháo thương hiệu chồng, em ăn đi kẻo nguội”.
Theo Phunuonline