Không có BHYT chắc chắn phải chịu áp lực khi tăng viện phí
Trước thông tin viện phí tăng kể từ 1/6 tới, nhiều người lo ngại viện phí tăng sẽ gây áp lực, tăng sức ép, ghánh nặng tới người bệnh đặc biệt là những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn và những bệnh nhân chưa có BHYT.
Để giúp mọi người hiểu hơn về vấn đề này, Kiến Thức đã liên hệ với chuyên gia, lãnh đạo Bộ Y tế để làm rõ những về vấn đề xung quanh vấn đề tăng viện phí lần này.
|
Viện phí sẽ tăng 20-25% từ ngày mai 01/6/2017. |
Khẳng định với phóng viên tại hội nghị hướng dẫn thực hiện mức thu viện phí mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nói: "Việc áp dụng viện phí mới được thực hiện từng bước, thận trọng, theo lộ trình điều chỉnh giữa các địa phương, tỷ lệ tham gia BHYT. Việc tăng viện phí không áp dụng cùng lúc trên cả nước".
Bắt đầu từ ngày 01/6/2017, sẽ có trên 1900 dịch vụ y tế được áp dụng giá viện phí mới, với mức tăng giá từ 20 – 25%. Đây là mức giá viện phí được đánh giá lá khá cao. Mức giá viện phí này đã áp dụng trước đó cho bệnh nhân có BHYT, được quỹ BHYT thanh toán khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Nếu không có BHYT, với những gia đình bình thường không phải hộ nghèo làm nông nghiệp mà bị bệnh phải phẫu thuật thì chi phí này sẽ là một áp lực kinh tế rất lớn với họ. Không chỉ vậy, đối với những bệnh nhân ung thư, bệnh mãn tính nếu không tham gia BHYT, tự bỏ tiền túi chi trả dịch vụ cũng sẽ vô cùng mệt mỏi vì số tiền họ phải chi trả chữa bệnh hàng năm có thể lên tới cả trăm triệu đồng.
"Chính vì vậy, để giảm gánh nặng khám chữa bệnh, những người chưa có thẻ BHYT nên tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi khi đi khám bệnh". Thứ trưởng Tuấn đưa ra lời khuyên.
Cũng trả lời về vấn đề này, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế Bộ Y tế cho biết: việc tham gia BHYT là bắt buộc với toàn dân. Hiện nay, việc mua BHYT rất dễ dàng vì thế người dân chưa có bảo hiểm có thể đăng ký và tham gia bất cứ lúc nào.
|
Mua Bảo hiểm y tế sẽ giảm gánh nặng đáng kể khi viện phí tăng. Ảnh: Thời báo kinh tế. |
Ông Toàn cũng đưa ra lời khuyên:" Người dân không nên đợi tới khi phát hiện ra bệnh, có bệnh hoặc định đi khám bệnh mới mua bảo hiểm. Vì theo quy định với những người mua BHYT lần đầu hoặc đóng BHYT không liên tục phải sau 30 ngày mới có giá trị sử dụng để khám chữa bệnh và sau 180 ngày mới được hưởng những quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao. Như vậy chỉ trong khoảng 30 - 180 ngày đó thôi người bệnh sẽ phải tự chi trả rất nhiều tiền nếu phải nằm viện, phẫu thuật hoặc bị những căn bệnh mãn tính".
Dự kiến tăng mức đóng BHYT
Cũng theo ông Phan Văn Toàn, dự kiến từ năm 2019 sẽ tăng mức đóng BHYT đối với đối tượng do Nhà nước và Bảo hiểm xã hội hỗ trợ đóng BHYT.
Có 2 phương án điều chỉnh mức đóng BHYT, thực hiện từ năm 2019. Phương án 1: Điều chỉnh tăng mức đóng BHYT thêm 0,3%/năm. Theo đó, lộ trình tăng mức đóng dự kiến năm 2019 là 4,8% lương cơ sở, năm 2020 là 5,1%, năm 2022 là 5,4%, năm 2023 là 5,7% và năm 2024 là 6%.
Phương án 2: Điều chỉnh tăng với mức 0,5%/năm. Theo đó, dự kiến mức đóng BHYT năm 2019 là 5% lương cơ sở, năm 2020 là 5,5% và năm 2021 là 6%. Hiện nay, mức đóng BHYT bằng 4,5% lương cơ sở (1.210.000 đồng/tháng). Cũng theo ông Toàn, với nhóm đối tượng người lao động thì tạm thời chưa tính tới phương án tăng mức đóng BHYT.
Hiện nay, mức đóng BHYT đang là 4,5% lương cơ sở (1.210.000 đồng/tháng).
Thu Nguyên