Chuyện về những bác sĩ tuyến đầu chống dịch virus corona ở Việt Nam

Google News

Lượng công việc tăng đột biến, giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn, thậm chí bị những người xung quanh xa lánh, các y bác sĩ vẫn cố gắng vượt qua tất thảy để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

14h10’. Điều dưỡng Trần Thị Phương Thủy và một số đồng nghiệp của mình trong Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 bắt đầu bữa ăn trưa.
Ca làm việc của họ kết thúc lúc 13h30’, tuy nhiên, họ phải bàn giao lại công việc, sau đó tắm rửa, sát trùng cơ thể sạch sẽ mới có thể nghỉ ngơi, ăn uống.
Từ ngày bệnh nhân dương tính nCoV đầu tiên nhập viện (31/1), lịch sinh hoạt của các y bác sĩ Khoa Cấp cứu xáo trộn khá nhiều.
“Trước đây, chúng tôi có thể thay phiên nhau đi ăn trưa trong ca trực. Tuy nhiên, đó là điều không thể bây giờ”, chị Thủy chia sẻ.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là đơn vị tuyến đầu tiếp nhận các bệnh nhân dương tính virus corona chủng mới và bệnh nhân nghi nhiễm nhưng có diễn biến nặng.
Chuyen ve nhung bac si tuyen dau chong dich virus corona o Viet Nam
 
Chuyen ve nhung bac si tuyen dau chong dich virus corona o Viet Nam-Hinh-2
Nhân viên y tế mặc quần áo chống dịch trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân dương tính nCoV.
Một ngày làm việc của các bác sĩ chia làm 3 kíp trực, 2 kíp trực 6 tiếng và 1 kíp trực đêm 12 tiếng. Mỗi kíp trực có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Để có thể thực hiện nhiệm vụ, nhân viên y tế phải mặc quần áo chống dịch, tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh, đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cho cộng đồng.
“Quần áo chống dịch có rất nhiều loại. Loại tối ưu nhất chúng tôi vẫn hay dùng là bộ có khóa kéo từ trên xuống, hoặc từ dưới lên. Bộ đồ rất kín nên sẽ có lúc cảm thấy ngột ngạt, khó chịu”, chị Thủy tâm sự.
Thông thường, trong ca trực ban ngày, chị Thủy và các đồng nghiệp sẽ mặc đồ bảo hộ đủ 6 tiếng.
Vào buổi sáng, sau khi bác sĩ khám và đưa ra y lệnh, điều dưỡng sẽ thực hiện đo nhiệt độ, đo huyết áp, thay ga giường và cho bệnh nhân uống thuốc theo y lệnh của bác sĩ.
Bên cạnh đó, điều dưỡng có nhiệm vụ lấy các mẫu bệnh phẩm gửi ra ngoài xét nghiệm khi có chỉ định; theo dõi, báo cáo cho bác sĩ nếu bệnh nhân có chuyển biến xấu và mang đồ ăn, nhu yếu phẩm, giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân.
“Làm việc liên tục trong bộ đồ chống dịch như vậy cũng khá mệt. Tuy nhiên, nếu đi ăn hay ra ngoài nghỉ ngơi tạm thời, nhân viên y tế sẽ phải cởi bộ đồ ra, sau đó thay bằng bộ mới, như vậy rất tốn kém. Chúng tôi luôn bảo nhau phải sử dụng quần áo chống dịch một cách khoa học, phòng trường hợp dịch bùng phát”, điều dưỡng Trần Thị Phương Thủy chia sẻ.
Nếu không thuộc kíp trực, các bác sĩ sẽ tham gia công tác khám, sàng lọc bệnh nhân phía bên ngoài. Bác sĩ Nguyễn Viết Nam cho biết: Những ngày đầu có thông tin về dịch, bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu khám rất đông khiến khối lượng công việc của các bác sĩ tăng đột biến.
Chuyen ve nhung bac si tuyen dau chong dich virus corona o Viet Nam-Hinh-3
Khối lượng công việc của các y bác sĩ tăng lên rất nhiều trong những ngày đầu có dịch.
Không chỉ bệnh nhân đến từ vùng dịch tễ hoặc có tiếp xúc với người đến từ vùng dịch tễ, rất nhiều người bình thường cũng đến khám bởi hoang mang, lo lắng.
“Có những khi, bệnh nhân đi khám theo đoàn khoảng 5, 7 người, thậm chí đông hơn. Các bác sĩ sẽ phải khai thác thông tin, khám lần lượt, từ đó sàng lọc và hướng dẫn cách ly bệnh nhân có yếu tố nguy cơ. Nhiều lúc đoàn đến đúng vào giờ cơm trưa, chúng tôi thường phải gác lại bữa ăn của mình để tiếp đón người bệnh”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Việc khám sàng lọc của các bác sĩ sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không hợp tác.
“Nhiều bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nhưng không muốn nhập viện cách ly. Cũng có trường hợp nhất định yêu cầu được xét nghiệm nCoV mặc dù không có tiền sử dịch tễ hoặc đã tiếp xúc với nguy cơ quá 1 tháng. Họ có thể bức xúc, to tiếng với nhân viên y tế nếu không được như ý”, bác sĩ Nguyễn Viết Nam tâm sự.
Với những trường hợp như vậy, các bác sĩ thường cố gắng giải thích, thuyết phục để bệnh nhân hiểu. Đôi khi, nhân viên y tế phải nhờ đến sự trợ giúp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và lực lượng công an với những trường hợp nằm trong diện cần cách ly nhưng không chấp hành.
Từ ngày có dịch, khối lượng công việc tăng lên, các bác sĩ thường đi làm về rất muộn.
“Trước đây, tôi tan làm khoảng 4, 5h chiều nhưng bây giờ khoảng 8, 9h tối mới bắt đầu về. Hôm nào muộn quá, tôi sẽ ở lại viện luôn”, điều dưỡng Trần Thị Phương Thủy chia sẻ.
Có những người chủ động ở lại viện cho tiện công việc, cũng có những người dù muốn nhưng không thể về nhà.
Điều dưỡng Ngô Đình Tú đã chứng kiến một số đồng nghiệp của mình phải mang tư trang qua viện ở do không chịu được áp lực từ những người xung quanh.
“Nhiều người không hiểu, cứ nghĩ rằng làm việc ở Khoa Cấp cứu, có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính nCoV tức là cũng mắc bệnh. Một nữ đồng nghiệp của tôi bị chủ nhà trọ thông báo với toàn xóm rằng hãy tránh xa bạn ấy để không bị lây bệnh. Từ đầu dịch đến giờ, bạn ấy không dám về nhà”, anh Tú kể.
Một nữ điều dưỡng khác thì khá sốc vì thấy người dân xung quanh đồng loạt lấy khẩu trang ra đeo khi thấy chị đi tới. Thậm chí, họ còn xì xào “Con bé này chắc chắn sẽ dương tính với virus nCoV”.
“Ngay từ khi bước chân vào nghề, tôi và các đồng nghiệp đã xác định sẽ có những điều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Tuy nhiên, dù có khó thế nào, chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua để hoàn thành trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với người bệnh, cộng đồng”, điều dưỡng dưỡng Ngô Đình Tú chia sẻ.
Chuyen ve nhung bac si tuyen dau chong dich virus corona o Viet Nam-Hinh-4
Bộ Y tế và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chúc mừng các bệnh nhân ngày ra viện.
Chiều 10/02, 3 trên 4 bệnh nhân dương tính với nCoV điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã được chữa khỏi và xuất viện trong niềm vui chung của cả cộng đồng.
Kết quả bước đầu này là sự ghi nhận xứng đáng cho tất thảy nỗ lực của các y bác sĩ Khoa Cấp cứu nói riêng và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 nói chung.
Theo Nguyễn Liên/Vietnamnet