Qua lời con trai, tôi được biết con dâu không khéo bếp núc, nhưng cô ấy có nhiều thế mạnh khác. Tôi sống ở thôn quê, con dâu ở thành phố. Con về làm dâu cho phải phép mấy ngày rồi đi, nên lần nào về tôi cũng sẵn sàng nấu ăn đãi chúng.
Mới đây, con dâu đích thân gọi điện thoại mời tôi vào Sài Gòn thăm cháu, thư giãn những ngày nông nhàn. Vợ chồng các con 5 năm sau cưới, ổn định nhà cửa mới quyết định sinh con. Phụ nữ tuổi 32 có được chút con, quý hơn vàng, nên con dâu quyết định nghỉ việc, đợi con lớn thêm vài năm rồi tính tiếp.
Những ngày ở nhà con dâu, tôi nhận thấy bếp núc khiến con dâu tốn thời gian nhiều nhất, thậm chí thời gian chăm con còn ít hơn vào bếp. Con trai tôi tâm sự, từ ngày sinh con, cô ấy thay đổi thái độ với bếp núc. Nếu trước chỉ hai vợ chồng với nhau, cô ấy chủ trương ăn uống qua loa, một tuần hết ba ngày cơm tiệm, thì nay cô ấy tự răn mình: làm ra tiền thì phải ăn, đã ăn thì phải ngon, phải đầy đủ dưỡng chất, và đảm bảo an toàn thực phẩm.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi để ý thấy con dâu rửa rau lâu thôi rồi. Đầu tiên là rửa dưới vòi nước, rồi bắt đầu ngâm muối, rửa từng cọng, rửa bốn, năm nước mới chịu. Gạo cũng vo rất kỹ. Con cho rằng gạo mua không đủ độ tin tưởng, nên nhất định phải vo kỹ.
Cá thì chỉ mua ở quê, loại cá người ta đánh lưới trong ngày, không ngâm hóa chất. Xoong nồi thì toàn nấu nồi sứ, nhất định không nấu nồi nhôm. Không ăn bột ngọt, không phi dầu quá nóng…
Điều gì đã khiến con thay đổi đột ngột như thế? Tại con có thời gian rảnh, hay tại con quá yêu thương con cái?
Nấu bữa ăn ba tiếng đồng hồ, có lúc tôi tự hỏi có phải con đã… ngủ trong bếp không, chứ có ninh hầm gì đâu, nếu nấu bếp củi cũng không lâu như thế. Chắc tại con có thời gian, nên con có quyền nhẩn nha với bếp núc. Mà cũng có thể con gái của con đã khiến con thay đổi quan niệm phụ nữ với bếp núc.
Thường, những cô gái chưa lấy chồng, phụ nữ chưa sinh con, khi nhắc về bếp, người ta hay tự hỏi: thời nào rồi mà trung thành với bếp núc? Thay vì dành thời gian vào bếp, sao không tung tăng với thanh xuân? Hay, đồ ăn thức uống ê hề ngoài đường, thượng vàng hạ cám, chỉ cần có tiền là trở thành thượng đế, nghĩ về bếp chi cho vướng bận?
Nhưng từ khi sinh con, hầu như chẳng ai yên tâm khi cho con mình ăn cơm hàng cháo chợ. Ai cũng sẵn sàng lăn vô bếp nấu cho con những món vừa ngon vừa bổ dưỡng, an toàn.
Về chuyện “ngủ” trong bếp, tôi đã có lần hỏi con dâu: “Mai này đi làm lại, thời gian đâu mà con tỉ mẩn? Con dâu trả lời: “Sau này chắc con phải tranh thủ hơn, nhưng đã vào bếp thì nhất quyết không thể nấu nướng kiểu chớp nhoáng được. Rau vẫn phải rửa nhiều nước, gạo cũng phải vo thật kỹ, không thể vì thời gian hạn hẹp mà dễ dãi với ăn uống”.
Sức mạnh của tình mẫu tử đã chiến thắng mọi sự lười nhác cố hữu, tình mẫu tử có thể di dời thanh xuân của người mẹ vào bếp, rồi tận lực nấu cho ra một bữa ăn ngon lành. Phụ nữ có con, có thể đánh đổi tất cả vì con, mà con dâu tôi là một minh chứng.
Ngày còn đi làm, muốn bếp đỏ lửa cho chồng vui, nàng tạt chợ mua chút rau quả về nấu với tôm khô có sẵn trong tủ lạnh, món mặn là trứng chiên hay khô cá, còn muốn ăn uống hoành tráng thì dắt nhau ra quán. Ở đó có quá nhiều sự lựa chọn cho những nàng chưa mặn mà với bếp như con dâu tôi.
Từ chuyện của con dâu, đủ thấy sức mạnh của bếp núc to lớn với phụ nữ nhường nào. Phụ nữ, ai rồi cũng sẽ đến một ngày nhận ra rằng, bếp mãi là chốn trở về ấm êm nhất, là nhiệt kế đo hạnh phúc gia đình, nơi sum vầy với yêu thương tràn trề.
Theo Ái Nghĩa / Phụ Nữ Online