Cách đây 8 năm, không ai nghĩ cô bé Nguyễn Anh Nhi, ở Cẩm Thủy, Thanh Hoá có thể sống sót sau cú tai nạn giao thông như trời giáng từ chiếc xe tải. Anh Nhi khi ấy mới 11 tuổi, vừa tan trường, bị xe tải tông trúng, cô bé nằm bất động, máu chảy lênh láng nhưng thấy vẫn còn thở nên mọi người quyết định đưa đến BV huyện Ngọc Lặc cấp cứu.
Sau đó, Anh Nhi được chuyển tiếp ra BV Việt Đức trong tình trạng nguy kịch: Đụng dập và mất toàn bộ tổ chức thành bụng, đại tràng và ruột non tổn thương trên nhiều đoạn, mất rất nhiều máu trong ổ bụng.
Các bác sĩ đã thực hiện ca mổ xuyên đêm, kéo dài đến sáng hôm sau với hy vọng có thể níu giữ được sự sống mong manh cho cô bé.
|
Sau nhiều tháng chăm sóc đặc biệt, thành bụng của Nhi đã hình thành sẹo và che được bụng nhưng không có lớp cân, cơ như người bình thường |
Sau phẫu thuật, Anh Nhi đã phải cắt toàn bộ đại tràng, toàn bộ buồng trứng, cắt một phần bàng quang và niệu quản.
Do bệnh nhi bị mất gần hết thành bụng nên sau mổ, bác sĩ phải đặt miếng gạc lên bụng để che tạm các cơ quan nội tạng bên trong rồi tiếp tục chăm sóc.
Và điều kì diệu đã xảy ra, sau ca mổ cấp cứu, Anh Nhi dần dần tỉnh lại, mở mắt và nhận ra mọi người. Từ đây, cô bé kiên cường tiếp tục hành trình chiến đấu với bệnh tật.
8 năm ròng, Anh Nhi coi BV Việt Đức và khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn như mái nhà thứ 2, thường xuyên thăm khám và điều trị.
Đến nay, Anh Nhi đã trải qua 23 ca phẫu thuật, trong đó có nhiều cuộc hội chẩn xuyên quốc gia với các chuyên gia từ Mỹ, Pháp, Đài Loan.
|
Cô gái nghị lực đã chiến đấu với bệnh tật suốt 8 năm với 23 ca mổ nhưng vẫn học hành chăm chỉ, đỗ ĐH Y Hà Nội |
Trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho Anh Nhi suốt 8 năm qua, PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn chia sẻ: “Trong nhiều chục năm cầm dao, tôi chưa gặp ca bệnh nào như cô bé này. Việc bệnh nhân bị mất toàn bộ thành bụng khiến việc chăm sóc và sửa chữa là điều không tưởng”.
Ngay các chuyên gia Mỹ khi biết trường hợp của Nhi cũng lắc đầu, cho rằng việc cứu sống và phục hồi rất khó khăn.
BS Trần Tuấn Anh, người cùng tham gia phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân Nhi chia sẻ thêm, đây là ca bệnh vô cùng đặc biệt, trong y văn cũng chưa từng gặp.
Các bác sĩ cứ từng ngày kiên trì điều trị cho bệnh nhi và chờ đợi những tiến bộ của y học. Từ miếng vải gạc ban đầu, bác sĩ thay bằng miếng lưới (mesh) để che phủ nội tạng cho Nhi và đã có hiệu quả.
|
Nhi cùng bố mẹ đến cảm ơn các bác sĩ, nhân viên y tế tại khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn trước ngày nhập học |
Qua quá trình chăm sóc, tổ chức hạt đã mọc và tạo thành thành bụng mới như bây giờ. Tuy nhiên thành bụng này không hề có cơ, cân.. và những thành phần giữ như cấu tạo thành bụng thông thường.
Trong nhiều năm đau đớn, điều trị tại bệnh viện liên tục là vậy nhưng Anh Nhi vẫn học rất giỏi và mới đây đã trở thành sinh viên ngành kĩ thuật xét nghiệm y học, trường ĐH Y Hà Nội
Hiện tại, Nhi vẫn đang phải mang hậu môn nhân tạo và trước mắt còn nhiều vất vả, thử thách nhưng cô bé đã có thể tự tin đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa và mở tiếp cánh cửa trở thành nhân viên y tế, phục vụ cộng đồng.
Trước ngày nhập học, Nhi cùng bố mẹ đã trở lại BV Việt Đức, gặp lại các bác sĩ, nhân viên của khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn để tri ân.
“Những năm qua cháu như được sinh ra thêm một lần nữa. Trải qua nhiều năm được điều trị, chăm sóc tại mái nhà thứ 2, cháu đã đem niềm yêu mến vô cùng với các thầy thuốc áo trắng, ước mơ ngày nào đó sẽ được khoác lên mình chiếc áo của sự thân thương, chia sẻ và thấu hiểu. Và hôm nay, cháu đã đạt được một phần ước nguyện của cuộc đời khi đỗ vào ĐH Y. Cháu thấy rất xúc động và cảm ơn các bác, các cô chú đã tạo động lực rất lớn cho cháu cố gắng nỗ lực để có ngày hôm nay...”, Nhi xúc động chia sẻ.
Theo Thúy Hạnh/ Vietnamnet