Tiểu Trình (24 tuổi) là một cô gái trẻ sống tại Trung Quốc. Cô làm việc cho một công ty internet với cường độ làm việc cao nhưng mức lương bèo bọt. Dạo gần đây, Tiểu Trình cảm thấy cơ thể lao lực, tinh thần mệt mỏi, nguyên nhân chính là do mối quan hệ yêu xa và khoản nợ với bạn trai 3 năm.
Tiểu Trình chia sẻ: "Thời điểm bạn trai khởi nghiệp, tôi đã giúp bạn trai trả nợ một số tiền lớn. Tôi không dám nói cho bố mẹ biết vì tôi sợ họ lo lắng. Chính vì giúp bạn trai trả nợ, tôi làm việc bất kể ngày đêm, không có người tâm sự nên tôi cảm thấy rất căng thẳng".
Sau một thời gian, bạn trai trở nên lạnh nhạt với Tiểu Trình và liên lạc cũng thưa dần, cộng thêm khoản nợ cô gánh cho bạn trai khiến cô gái trẻ ngày càng tiều tụy. Trong vòng nửa năm, Tiểu Trình vì nhung nhớ bạn trai nên thường xuyên mất ngủ, kèm theo hàng loạt các dấu hiệu như suy giảm trí nhớ, chân tay yếu, ăn uống mất ngon. Tuy nhiên Tiểu Trình tự nhủ rằng bản thân "vẫn còn trẻ nên không sao". Cho đến một hôm, vào lúc 10 giờ tối, sau khi tan ca trở về nhà tắm rửa, Tiểu Trình cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu trên sàn nhà.
|
Tiểu Trình vì nhung nhớ bạn trai nên thường xuyên mất ngủ. |
Khi tỉnh lại, Tiểu Trình rơi vào trạng thái mất khả năng nói, chỉ có thể dùng tay viết chữ, không đủ sức mặc áo quần, không đủ sức cầm đồ vật, thần trí không tỉnh táo. Nửa tiếng sau, Tiểu Trình được đưa vào khoa cấp cứu, chẩn đoán sơ bộ cho thấy cô gái trẻ bị đột quỵ. Sau khi tiếp nhận điều trị, triệu chứng của cô gái trẻ đã suy giảm. Chẳng ngờ, vào ngày hôm sau, tình trạng của Tiểu Trình trở nên nghiêm trọng hơn.
|
Khi tỉnh lại, Tiểu Trình rơi vào trạng thái mất khả năng ngôn ngữ, chỉ có thể dùng tay viết chữ. |
Bác sĩ Triệu Vũ, khoa nội thần kinh, bệnh viện Shenzhen No.3 People's Hospital, cho biết: "Bệnh nhân chỉ mới 24 tuổi, nhưng kết quả chụp X-quang các mạch máu cho thấy mạch máu bị lão hóa, lòng mạch thu hẹp giống như người già 70 tuổi. Nguyên nhân khiến bệnh nhân đột quỵ là do mắc bệnh viêm động mạch Takayasu. Nếu trì hoãn điều trị, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ liệt nửa người".
|
Bác sĩ Triệu Vũ, khoa nội thần kinh, bệnh viện Shenzhen No.3 People's Hospital. |
Viêm động mạch Takayasu là một căn bệnh diễn biến chậm, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định. Nhiều người có dấu hiệu chóng mặt, chân tay yếu, mệt mỏi, nhưng người bệnh thường xem nhẹ, chỉ khi triệu chứng trở nên nghiêm trọng thì họ mới đến bệnh viện khám.
Sau vài ngày nhập viện, bác sĩ nhận thấy Tiểu Trình luôn chăm chú xem màn hình điện thoại và khóc nức nở, lúc này bác sĩ mới biết mối quan hệ tình cảm và khoản nợ mà cô đang gánh cho bạn trai. Mặc dù đây không phải là nguyên nhân chính, nhưng bác sĩ cho rằng đó là một trong những yếu tố khiến bệnh tình của cô trầm trọng. Sau khi phối hợp điều trị và được bác sĩ tư vấn tâm lý, tình trạng của Tiểu Trình đã ổn định và cô có thể xuất viện về nhà.
Bệnh viêm động mạch Takayasu là gì?
Viêm động mạch Takayasu là một loại viêm mạch, một nhóm các rối loạn gây viêm mạch máu. Trong viêm động mạch Takayasu, tình trạng viêm gây tổn thương động mạch chủ và các nhánh chính của nó. Động mạch chủ là động mạch lớn mang máu từ tim đến các phần còn lại của cơ thể.
Bệnh có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch , thu hẹp lòng mạch hoặc giãn động mạch bất thường (phình mạch). Viêm động mạch Takayasu cũng có thể dẫn đến đau ngực và cánh tay hoặc cao huyết áp và cuối cùng dẫn đến suy tim hoặc đột quỵ.
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm động mạch Takayasu là gì?
Tình trạng này có thể bao gồm sốt nhẹ, sưng hạch, thiếu máu, chóng mặt, ra mồ hôi ban đêm, đau nhức cơ bắp và viêm khớp.
Những thay đổi xảy ra trong viêm động mạch Takayasu thường từ từ, cho phép các đường vận chuyển máu thay thế (bổ sung) phát triển. Những tuyến đường thay thế thường là các mạch máu nhỏ hơn. Các mạch máu bổ sung không có khả năng vận chuyển nhiều máu như các mạch bình thường.
Tuy nhiên, lưu lượng máu phía ngoài vùng bị hẹp hầu như luôn cung cấp đầy đủ máu cho phép các mô sống sót. Trong các trường hợp hiếm hoi, nếu số lượng các mạch máu bổ sung không đủ, các mô bình thường được cung cấp máu và oxy đầy đủ bởi các mạch máu này sẽ bị chết.
Các mạch máu đến cánh tay hoặc chân bị thu hẹp có thể gây mệt mỏi, đau hoặc đau buốt do giảm cung cấp máu, đặc biệt với các hoạt động như gội đầu, tập thể dục hoặc đi bộ. Lưu lượng máu giảm gây ra cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim ít gặp hơn. Ở một số người, giảm lưu lượng máu đến ruột có thể dẫn đến đau bụng, đặc biệt là sau bữa ăn.
Giảm lưu lượng máu đến thận có thể gây cao huyết áp, nhưng hiếm khi gây suy thận.
Một số người bị viêm động mạch Takayasu có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Chẩn đoán có thể được phát hiện khi bác sĩ đo huyết áp cho những người này và gặp khó khăn trong việc đọc kết quả ở một hoặc cả hai cánh tay. Tương tự như vậy, bác sĩ có thể nhận thấy mạnh đập ở cổ tay, cổ hay háng không như nhau hoặc không bắt được mạch ở một bên.
Theo Nhịp Sống Việt