Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em sắp có một cuộc gặp gỡ khó khăn, em đang rất rối trí, không biết làm sao. Em yêu một người đàn ông lớn hơn em 20 tuổi, có gia đình, con cái, sự nghiệp, nhưng không có hạnh phúc. Anh ấy là đồng nghiệp của em, dù không phải sếp trực tiếp, nhưng cũng ở hàng quản lý. Anh ấy đã sống ly thân với vợ hơn một năm trước khi gặp em và nảy sinh tình cảm.
Chị vợ anh ấy không muốn ly hôn, theo anh kể, chị ấy nói muốn con có đầy đủ cha mẹ, nhưng thực tế chị ấy chỉ muốn sống hưởng thụ mà thôi. Hai con của họ đều đang học ở nước ngoài. Vợ chồng họ mỗi người một nhà. Khi yêu anh, em nghĩ mình không chen vô giữa gia đình họ, bởi thực tế gia đình ấy đâu có tồn tại.
Nay con gái anh đang ở Việt Nam và nhắn tin hẹn gặp, muốn nói chuyện với em, chỉ một mình em thôi, không có bất kỳ ai khác. Anh bảo em từ chối, đừng gặp, đừng nói chuyện gì cả. Nhưng cô ấy kiên quyết muốn gặp bằng được. Con gái anh 22 tuổi, nhỏ hơn em 10 tuổi. Qua điện thoại, em thấy cô gái này cũng hiểu tình cảm giữa cha mẹ mình và không có ý định gây gổ.
Chỉ là em không biết khi gặp, em sẽ nói chuyện gì. Đằng nào thì em cũng không thể chối chuyện em yêu ba cô ấy, em không thể phủ nhận tình cảm của mình. Giải quyết được chuyện này hay không là giữa cha mẹ cô ấy, chứ đâu phải từ em. Em cũng không thể hứa hẹn gì được.
Mấy hôm nay, em căng thẳng và rối trí đến mức làm việc gì cũng sai sót, ngủ cũng không yên. Em có nên nhận lời gặp cô ấy không hả chị?
Minh Thư (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa. |
Em Minh Thư thân mến,
Nhắm mà em không nhận lời gặp cô gái ấy, em có trốn được một cách tuyệt đối không? Hay lại dẫn tới một cuộc “mai phục” nào đó, rồi rơi vào tình cảnh bị động, bất lợi, có thể cả hai đều mất bình tĩnh, và mọi chuyện sẽ tệ hơn?
Xét cho cùng, cái gì mình chủ động được, chuẩn bị được, mình vẫn thấy an tâm hơn phải không em? Trong trường hợp này, khi nhận lời gặp cô gái ấy, mình không chỉ chuẩn bị nội dung nói chuyện, còn phải chuẩn bị tránh bớt rủi ro nếu có, tránh bớt sự kích động không cần thiết để an toàn cho cả hai bên.
Em nên tự chọn thời gian, địa điểm gặp gỡ, vừa có không gian nói chuyện, vừa dưới con mắt trông chừng, bảo vệ của người khác, ban ngày ban mặt rõ ràng không khuất tất. Em nói cho bạn trai em biết về cuộc gặp, anh ấy nên trông chừng để bảo vệ hai người phụ nữ quan trọng với anh ấy, từ xa cũng được.
Nếu không, em cũng nên có một người bạn đi cùng, đợi em trong tầm quan sát để có thể giúp em khi cần. Việc hẹn gặp, nói chuyện về mục đích gặp gỡ… nên nói trước qua điện thoại, em sẽ biết được phần nào tính cách của cô gái ấy để chuẩn bị tốt hơn. Khi đến hẹn, mình nên tới sớm một chút, quan sát trước sau, có gì khiến em thấy lo lắng thì nên hủy bỏ gặp gỡ.
Cuộc nói chuyện, như em nói, khó có thể giải quyết được gì trong hoàn cảnh này. Vì vậy, em nên chủ động ngắn gọn, đừng sa vào kể lể dài dòng, dễ mất bình tĩnh. Trong mối quan hệ với ba của cô gái, ít nhiều gì mình cũng có phần lỗi, không thể tránh né được. Quá trình giải quyết chuyện trong gia đình họ, mình cũng không can thiệp được, vì vậy mình tránh tối đa việc giải thích hay tuyên bố việc này việc khác.
Những gì không quyết định được, hoặc cần suy nghĩ trả lời sau thì cứ phải để sau vậy. Hãy coi lần gặp gỡ này như một lần để lắng nghe mà thôi, lắng nghe những nguyện vọng, những yêu cầu của cô ấy. Dù sao thì mình cũng không thể kéo dài mối quan hệ đó mãi, một kết cục rõ ràng là cần thiết cho tất cả các bên.
Em là người lớn hơn, ở tuổi cô ấy có điều gì nông nổi mình cũng có thể bỏ qua được, phải không em? Mong em bình tĩnh, nhẹ nhàng vượt qua cuộc gặp này, và từ đó sẽ có những quyết định phù hợp cho mình.
Theo Hạnh Dung/Báo Phụ nữ