Theo văn bản ngày 13-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn gửi Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Theo nội dung công văn này, Bộ GD-ĐT chỉ đạo tại các địa phương không có dịch COVID-19, các sở GD-ĐT có thể đề xuất UBND các tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại, nhưng đảm bảo các nhà trường phải tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng), hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm.
Bên cạnh đó, các nhà trường phải có kế hoạch tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh COVID-19, giúp học sinh biết cách phòng bệnh.
|
Ảnh minh họa |
Đối với các địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, ngoài yêu cầu trên, tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã có các biện pháp phòng bệnh cho học sinh. Trường hợp nhiễm bệnh đã được tiến hành cách ly và không phát sinh ca mới thực hiện như khuyến cáo của Bộ Y tế tại công văn số 566/BYT-DP ngày 8-2-2020.
Tuy nhiên công văn chỉ đạo lần này của Bộ GD-ĐT không thực sự được các bậc cha mẹ hoàn toàn ủng hộ. Không chỉ trong cộng đồng có nhiều ý kiến trái chiều, mà ngay ở các trường cũng vấp phải sự thiếu đồng thuận giữa các phụ huynh, trong khi có những ý kiến mong muốn trường mở cửa trở lại để đón học sinh thì nhiều ý kiến khác lại có nguyện vọng cho học sinh nghỉ tiếp để đảm bảo an toàn trong thời gian dịch bệnh.
Phụ huynh tranh luận, nhiều ý kiến quyết định nên nghỉ...
Chia sẻ của 1 người mẹ làm trong khu công nghiệp Sóng thần cho rằng: “Mỗi người 1 ý kiến, nhưng tôi là công nhân nghỉ 2 tuần rồi. Nhà 2 đứa con nhỏ 2 tuổi và 4 tuổi. Tôi đi làm mới có tiền nuôi con, tuần này mà nghỉ thì sẽ bị đuổi việc, không có cái chết nào đau đớn bằng chết đói... Trường dạy lại thì tôi mới yên tâm gửi con để đi làm kiếm cơm mua sữa được. Ở khu vực miền nam các tỉnh sau 1 tháng không có ca nhiễm bệnh và các trường đã phun thuốc phòng ngừa rồi, tôi nghĩ đi học lại là hợp lý . Còn những nơi gần điểm dịch thì tôi ko có ý kiến”.
Có phụ huynh cho rằng chỉ bằng một cái thông báo nhà trường đang “làm đảo lộn sinh hoạt, công việc của nhiều gia đình, trong khi nhà trường chỉ cần cái nhiệt kế với tờ hướng dẫn sơ đẳng là có thể loại trừ được những học sinh có nghi vấn…”
Trong khi đó, một facebooker là cô giáo khẳng định không đồng ý với ý kiến cho học sinh đi học trở lại, với lý do: “Cô giáo là cô giáo. Cô giáo không phải bác sĩ.” Theo facebooker này, cô giáo chỉ dạy thôi đã muốn ngất xỉu sau mỗi giờ dạy rồi, không thể vừa dạy vừa quan sát học sinh có biểu hiện nhiễm bệnh hay không… Nếu không may có 1 học sinh bị nhiễm bệnh, đến lúc cô phát hiện có triệu chứng thì đã đủ thời gian lây cho cả lớp. Rồi 40 học sinh của 1 lớp lây cho 40 gia đình. 40 gia đình sẽ lây lan như thế nào? Cô giáo này khẳng định: “Học, học nữa, học mãi. Sự học là cả đời. Không học hôm nay thì học ngày mai. Nhưng nhỡ may nhiễm bệnh mà có mệnh hệ gì thì ai đền cho chúng tôi những đứa con??? Cô giáo nhỡ may nhiễm bệnh thì ai đền cho con chúng tôi một người mẹ???”
Đồng tình với việc cho học sinh tiếp tục nghỉ để phòng chống dịch, phụ huynh Lê Hồng Diệp (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Các thầy cô giáo, nhà trường, và ngay cả Bộ GD không thể làm thay vai trò của Bộ Y tế, không thể xác định thế nào là biện pháp phòng chống virus corona đúng và hiệu quả cao nhất để bảo vệ trẻ. Tôi cho rằng việc quyết định có nên cho trẻ đi học hay nghỉ tiếp, khi nào nên cho trẻ trở lại trường nên đưa về trách nhiệm của BYT. Bản thân các nhà trường tốt nhất cứ nên cho học sinh nghỉ, lùi thời gian học thêm 1-2 tuần đến khi Bô Y tế công bố Việt Nam khống chế, kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh, không còn ca nhiễm mới. Chúng ta có thể lùi thời gian kết thúc năm học và rút ngắn kỳ nghỉ hè”.
Cùng chung quan điểm lùi lịch học, kéo dài thời gian cho trẻ ở nhà phòng lây nhiễm chéo tại trường, chị Nguyễn Mai Anh (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: “Thời điểm này xét về tính nghiệm trọng của dịch bệnh có thể nói nguy hiểm còn gia tăng hơn 2 tuần trước khi chúng ta quyết định cho trẻ nghỉ học. Hiện nay số người nhiễm bệnh ở VN đã là 16, đặc biệt nguy hại hơn khi có thêm người lây nhiễm gián tiếp trong cộng đồng. Vậy thì tại sao chúng ta lại “liều mạng” bất chấp an toàn để bắt trẻ đến trường? Không ai dám bảo đảm rằng, con cái chúng ta tới trường sẽ an toàn 100%, không có nguy cơ bị nhiễm virus.”
Anh Trần Trung Hiếu (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng tốt nhất cha mẹ nên ủng hộ việc tiếp tục cho trẻ nghỉ học. “Bạn có thể gặp khó khăn trong việc bố trí người trông con, nhưng hãy thử nghĩ nếu con mình không may nhiễm bệnh khi đến trường thì bạn có yên tâm vẫn đi làm và giao phó con cho bệnh viện cách ly, chăm sóc, điều trị?...”
“Thực tế số ca tử vong cũng như các ca mắc mới ở Trung Quốc vẫn không ngừng tăng mạnh. Trong khi đó ở Việt Nam cũng tiếp tục phát hiện các ca bệnh mới lây nhiễm gián tiếp trong cộng đồng. Mặc dù đã cách ly vùng có dịch nhưng không ai chắc rằng những người ở vùng cách ly trước đó chưa đi “gieo rắc” mầm bệnh sang những vùng khác. Vì vậy tôi kiến nghị cho học sinh tiếp tục nghỉ học để đảm bảo an toàn…”, anh Hiếu nhấn mạnh.
“Không thể cho học sinh đi học lúc này được”
Ý kiến của nhà báo Nguyễn Như Phong đang nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh.
Theo nhà báo Nguyễn Như Phong, dịch bệnh do COVID-19 (Virus Corona) gây ra đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực hơn, mức nguy hiểm lớn hơn rất nhiều những gì đã được Trung Quốc công bố.
Trong những ngày qua, phải khẳng định Việt Nam mà chủ lực là ngành y tế đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Có thể nói đây là cuộc "tập trận" quy mô lớn nhất từ xưa tới nay. Đề cập việc cho học sinh nghỉ học như những ngày qua là cần thiết, tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Như Phong cho rằng, có vẻ như lãnh đạo ngành giáo dục từ trên xuống dưới chưa hiểu hết và lường hết mức nguy hiểm của loại dịch bệnh này... Cho nên đã có nơi này tuyên bố sẽ cho đi học lại, nơi kia tuyên bố mở cửa trường và giao cho giáo viên "giám sát" học sinh có "biểu hiện".
“Tôi không hiểu ngành giáo dục còn thích chủ nghĩa thành tích đến bao giờ nữa? Đi học sớm một tuần, một tháng...chất lượng nào có tăng. Nghỉ học mươi ngày, nào có gây nên cái gì ghê gớm lắm? Bây giờ nghỉ, sau học bù... Nghỉ hè trước 3 tháng, thì bây giờ là 1 tháng. Coi những ngày nghỉ vì dịch bệnh này là nghỉ hè đi... Cố mở trường, vậy ngộ nhỡ dịch bùng phát ở ngay trong các lớp học thì ai chịu trách nhiệm đây? Hay lúc đó lại "rút kinh nghiệm sâu sắc", nhà báo Nguyễn Như Phong nêu ý kiến và đề nghị Chính phủ giao việc quyết định cho đi học lại hay không cho lãnh đạo Bộ Y tế. Bởi việc chống dịch là do các nhà chuyên môn đảm nhiệm, và tất cả mọi cá nhân, tập thể phải tuyệt đối chấp hành.
“Chống dịch như chống giặc - Đã chống giặc thì phải nghe hiệu lệnh từ một người chỉ huy”, nhà báo Nguyễn Như Phong nêu quan điểm.
An Lê