Mất ngủ là một vấn đề rất nhiều người từng trải qua, nhưng sẽ là dấu hiệu cho thấy bạn nên quan tâm hơn đến trái tim của mình, nghiên cứu mới từ Viện Karolinska (Thụy Điển) cho thấy.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 1,3 triệu người và phát hiện những người có chứng mất ngủ liên quan đến yếu tố di truyền có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Cụ thể họ sẽ tăng 13% nguy cơ nhồi máu cơ tim (tai biến thường gặp ở người có bệnh động mạch vành), 16% nguy cơ suy tim và 7% nguy cơ đột quỵ.
|
Mất ngủ làm tăng nguy cơ nhiều vấn đề tim mạch, bao gồm đột quỵ và nhồi máu cơ tim - ảnh: THE GUARDIAN |
Để đi đến kết quả này, nhóm nghiên cứu đã phân tích 248 dấu hiệu di truyền gọi là SNPs, vốn có vai trò quan trọng chứng mất ngủ và giúp cơ thể chống lại bệnh động mạch vành, suy tim, đột quỵ do thiếu máu cục bộ và rung tâm nhĩ.
Chứng mất ngủ còn gây ra sự kích thích thường xuyên ở hệ thống thần kinh giao cảm, tạo ra một "phản ứng chiến đấu" của cơ thể, chủ yếu xuất hiện trên hệ thống tim mạch, làm tăng nhịp tim, áp lực lên tim, các cơn co thắt trong cơ tim, từ đó khiến trái tim dần quá tải. Giấc ngủ kém còn liên quan đến BMI cao và bệnh tiểu đường type 2 – là những vấn đề sức khỏe có thể dẫn tới tổn thương tim.
Các phát hiện trên đủ cho thấy nếu gia đình bạn có "truyền thống" mất ngủ, hãy chú ý đến trái tim của mình hơn, thường xuyên kiểm tra, tầm soát các vấn đề tim mạch nếu có dấu hiệu đáng nghi ngại.
Theo Tiến sĩ Susanna Larsson, tác giả chính của nghiên cứu, mất ngủ là vấn đề ảnh hưởng đến 30% dân số thế giới. Bạn được coi người mất ngủ nếu thường xuyên có các triệu chứng: khó ngủ, thức dậy nhiều lần trong đêm, tỉnh giấc giữa đêm quá sớm mà không thể ngủ trở lại, vẫn cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy…
Trung bình người lớn cần 7-9 giờ ngủ, trẻ em cần 9-13 giờ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn ngủ được quá ít so với thời lượng nói trên. Các nguyên nhân phổ biến nhất của mất ngủ là căng thẳng, lo âu, trầm cảm, tiếng ồn, chiếc giường không êm ái, lạm dụng rượu, caffein hoặc nicotine.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Circulation.
Theo A. Thư /Người lao động