Tuân thủ đúng chuyên môn?
Ông Trần Ngọc Thạnh - Giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng cho biết, sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo bệnh viện đã đến chia buồn với gia đình bệnh nhân tử vong sau mổ chân là bà Trần Thị Là (SN 1969, trú thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Ông Thạnh thừa nhận đây là sự cố hiếm hoi ngoài ý muốn và khẳng định "các bước theo dõi điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân Là đều tuân thủ đúng quy trình về mặt chuyên môn". Theo ông Thạnh, bệnh nhân Là "có thể bị thuyên tắc mạch phổi hoặc sốc phản vệ sau truyền máu".
Ông Thạnh nói "không chỉ gãy xương mà sản khoa cũng hay xảy ra những tình huống biến chứng như vậy sau khi mổ".
|
BV Đa khoa Đà Nẵng họp báo thông tin về vụ việc. Ảnh: Nhiệt Băng |
Có ý kiến người nhà cho rằng, BV truyền nhầm máu với nhóm máu của bệnh nhân Là, ông Thạnh phủ nhận: "Theo báo cáo của ê kíp mổ thì trong lúc mổ bệnh nhân có mất máu. Cụ thể là mất khoảng 500ml máu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về khu chăm sóc đặc biệt. Còn tại BV, các quy định về an toàn truyền máu của bệnh viện rất nghiêm ngặt, có bác sĩ theo dõi thường xuyên".
"Bệnh diễn biến quá đột ngột, tôi rất lấy làm tiếc vì không cứu được bệnh nhân Là nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức. Nếu là gia đình tôi tôi cũng buồn và bức xúc lắm chứ" - ông Thạnh nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao bệnh nhân nhập viện phải chờ đến 9 ngày sau mới mổ, ông Lê Đức Nhân - Phó GĐ BV cho biết: "Mổ như vậy là sớm nhất vào đầu tuần rồi vì bệnh nhân này mổ chương trình, cần thời gian lên phương pháp mổ, hội chẩn, hội đồng nội khoa duyệt..., không phải mổ cấp cứu (mổ ngay). Sau khi mổ xong về phòng ICU, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, nói chuyện được, không có biểu hiện gì bất thường. Theo các thông số trong hồ sơ bệnh án thì huyết áp, nhịp tim, mạch của bệnh nhân sau mổ hoàn toàn ổn định".
Sau khi xảy ra sự việc, ngay trong sáng 18/3, Hội đồng Y khoa bệnh viện này đã tổ chức cuộc họp đánh giá lại toàn bộ quá trình điều trị, phẫu thuật của bệnh nhân Là. Ông Ngô Nguyễn Xuân Nam - Phó GĐ BV cho biết: "Với mổ chương trình, tỉ lệ tương tác phổi từ 1-3%. Tuy nhiên, khi có biến chứng, tỉ lệ này có thể tăng đến 30%".
Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Nếu có gì chưa đúng thì bệnh viện phải có trách nhiệm. Tôi cho rằng tất cả các nhận định của bệnh viện rất chính xác. Tôi thống nhất với kết luận của Hội đồng khoa học bệnh viện".
Gia đình tiếp tục phản ứng
Dù BV đã đến nhà giải thích nhưng gia đình bệnh nhân Là vẫn không đồng tình và tiếp tục phản bác.
Ngồi thẩn thờ tại hành lang bệnh viện, ông Đặng Thiện (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) trình bày sự việc, chiều ngày 6.3, vợ ông là bà Trần Thị Là trên đường từ cuộc họp của Hội Phụ nữ xã Hòa Phong trở về thì bị té gây chấn thương, người nhà ngay lập tức đưa ba Là đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chữa trị.
|
Không đồng ý với giải thích về cái chết của bệnh nhân Là, người nhà tiếp tục bức xúc tập trung tại bệnh viện, đồng thời có đơn cầu cứu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Nhiệt Băng. |
Tại bệnh viện, các bác sĩ khám rồi cho biết vợ ông bị gãy xương đùi, cần phải tiến hành phẫu thuật để gắn xương. Sau nhiều hôm khám, thực hiện các thủ tục xét nghiệm y tế, đến hơn 9 ngày sau ( ngày 16.3) thì bà Là được đưa vào phẫu thuật.
"Sau phẫu thuật họ nói vợ tôi bị thiếu máu, sau đó họ truyền máu. Đến bịch thứ 3 thì vợ tôi rung lắc. Con tôi hoảng hốt kêu bác sĩ thì họ đến giật hết bịch máu đang truyền ra. Đến sáng nay thì vợ tôi mất. Nghi ngờ của gia đình hiện giờ là do khâu truyền máu. Không thể chấp nhận được là chỉ mổ chân bình thường vậy mà chết được. Đây là sai sót, bệnh viện phải làm cho ra lẽ, để không có lần sau nữa!"
Anh Đặng Thức (SN 1993, con trai bà Trần Thị Là) cho hay trong suốt 9 ngày nằm viện, mẹ anh không hề có dấu hiệu mệt mỏi mà chỉ bị đau vì gãy chân . "Sau 9 ngày nằm viện, khoảng 9h sáng 15.3 mẹ tôi được đưa vào phòng mổ. Mẹ tôi mổ từ 9h sáng đến 17h43 chiều mới xong. Trong khi các bệnh nhân khác mổ chân bị gãy như mẹ tôi chỉ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Sau ca mổ, mẹ tôi vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng đến gần 1h sáng ngày 16.3 thì bà bị khó thở, cơ thể tím tái. Tôi gọi cho các bác sĩ thì họ đưa lên phòng hồi sức, cách ly với người nhà để điều trị, sau đó mẹ tôi nguy kịch rồi sáng sớm nay thì mẹ tôi mất".
"Họ có giải thích sau 9 ngày mới mổ cho mẹ tôi là do trước khi mổ phải khám nghiệm rồi tùm lum. Bệnh viện vẫn chưa có câu trả lời với gia đình, Chỉ cần bệnh viện làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ tôi và ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm để gia đình tôi đưa mẹ tôi về" - anh Thức nói.
Ông Nguyễn Lâm (người nhà bệnh nhân) cho hay: "Vô lý hoàn toàn, mong muốn gia đình là phải làm rõ nguyên nhân vì sao mổ đơn giản vậy mà chết. Phải làm rõ được trách nhiệm của các y bác sĩ kíp trực".
Như Lao Động đã đưa tin, khoảng 4h sáng 18.3, sau thời gian 2 ngày điều trị biến chứng hậu phẫu do gãy chân, bệnh nhân Trần Thị Là (1969, trú xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đã tử vong sau khi mổ tại BV Đa khoa Đà Nẵng.
Sáng cùng ngày, ông Đặng Thiện chồng bệnh nhân Là cầu cứu tới Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyên Xuân Anh. Trong đơn, ông Thiện viết: "Vợ tôi Trần Thị Là (SN 1969) đi bộ gãy chân được chở xuống BVĐK Đà Nẵng, chờ gần 10 ngày mới mổ. Sau khi mổ xong, sai sót trong khâu truyền dịch và máu khiến vợ tôi co giật, bất tỉnh, hôn mê và chết. Gia đình tôi bức xúc gửi đến cơ quan ban ngành nhờ xem xét, làm rõ cái chết oan uổng của vợ tôi không rõ nguyên nhân".
Mời độc giả xem video người nhà bệnh nhân Là tập trung phản ứng tại BV Đà Nẵng:
Theo Lao Động