Bí đao còn gọi là bí xanh, hay được dùng làm nộm, xào, luộc, chế mứt, nấu canh tôm, tép hoặc với xương thịt… Bí đao không chỉ là thực phẩm quen thuộc, giàu dinh dưỡng mà còn có giá trị làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, bí đao có vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng thanh phế mát vị, sinh tân, hoá đàm, lợi đại tiểu tiện... Ăn bí đao phòng trị chứng nóng ruột, phiền khát, ho viêm họng, táo bón, mụn nhọt, rôm sẩy, da khô sần, nám mặt, tiêu khát, huyết áp cao.
Sách Hải thượng Lãn Ông viết: “Bí đao giải khát, thanh tâm hư phiền nhiệt, lợi thuỷ, tiêu úng”... Tính thành phần dinh dưỡng thì cứ 100g bí đao cung cấp cho cơ thể 19 calo, khoảng 0,4g protit, 2,4g gluxit, 19mg canxi, 12mg phốt pho, 0,3mg sắt và nhiều loại vitamin như caroten, B1, B2, B3, C. Sau đây là một số món, ăn bài thuốc từ bí đao.
Bí đao giảm cân: Trong bí đao chứa nhiều nước, chất xơ và không chứa chất béo. Hơn nữa, trong bí đao còn chứa hợp chất hóa học hyterin-caperin ngăn không cho đường chuyển hóa thành mỡ nên cơ thể sẽ không bị tích lũy mỡ thừa. Bạn có thể dùng bí đao nấu canh, luộc hoặc xào đều tốt. Tuy nhiên, tránh ăn sống, hay dùng nước ép sinh tố.
Chữa cảm nắng sốt, vã mồ hôi: Người lao động làm việc trong môi trường nóng nắng, hoặc đi nắng về có cảm giác mệt mỏi, sốt, vã mồ hơi, thở không lên hơi thì có thể dùng bí đao giã vắt nước, thêm ít gừng tươi cho uống, sau đó nằm nghỉ ngơi sẽ có hiệu quả hoặc dùng bí đao nấu thịt vịt cũng rất tốt.
Chữa mụn nhọt: Hạt bí đao, trần bì, hoa đào mỗi vị 10g phơi khô tán bột uống ngày 3 lần (theo sách Tuệ Tĩnh). Bài này còn giúp khí huyết lưu thông, da tươi sáng, mịn màng.
Chữa chứng tiêu khát (tiểu đường): Thịt trai, bí đao, vỏ trái bí đao, hoàng liên sắc uống.
Bí đao có vì ngọt tính mát không dùng cho những người tì vị hư hàn, hay tiêu chảy, sợ gió, cảm lạnh nếu dùng cho thêm gia vị cay ấm như gừng hành tiêu. Chú ý không được ăn sống bí đao, bởi khi sống nó có tính xà phòng cao nên có thể gây bào mòn ruột, ảnh hưởng tới dạ dày, tiêu hóa.
TS Thu Vân (Bệnh viện Tuệ Tĩnh)