Covid-19: Chia sẻ của người đang cách ly, hành trang và tâm lý cần chuẩn bị thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Anh Phạm Quang Long, một người dân khu Trúc Bạch hiện đang thực hiện cách ly tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, cơ sở Kim Chung, Đông Anh, chia sẻ trên trang facebook cá nhân về những việc cần chuẩn bị khi phải đi cách ly.

1 tuần ở trong khu cách ly, với kha khá trải nghiệm, anh Phạm Quang Long đã tổng hợp các kinh nghiệm và chia sẻ với mọi người những gì cần chuẩn bị nếu phải đi cách ly:
Covid-19: Chia se cua nguoi dang cach ly, hanh trang va tam ly can chuan bi the nao?
 Một bữa cơm cho người đang cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh
Khi nhận được tin mình nằm trong diện cách ly tập trung, điều đầu tiên là nên bình tĩnh, kiểm tra lại các nguồn tiếp xúc và mối quan hệ, nguy cơ từ nguồn nhiễm cũng như tiếp xúc gần với những ai sau đó.
Tâm lý sẽ rất hoang mang và ổn định tâm lý là việc cần thiết nhất vào lúc này. Bỏ ngay ý nghĩ chạy trốn bởi chạy trốn rất khó vì với các “thám tử tư” từ dân cư mạng, trong 30p đồng hồ sẽ tìm ra bạn ngay.
14 ngày cách ly sẽ là khoảng thời gian khá dài, bạn sẽ ở trong 1 không gian không được thoải mái cho lắm vì bó buộc và chỉ được phục vụ những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống: đồ ăn, nước uống, giường ngủ, khu vệ sinh.
+ Vật dụng thiết yếu: đồ vệ sinh cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, nên có thêm nước súc miệng, khăn mặt, cắt móng tay, dao cạo, tăm, xà phòng giặt, nước gội đầu, xà phòng tắm (nên mua loại gói cho đỡ tốn diện tích). Nơi tôi đang thực hiện cách ly là Bệnh viện nhiệt đới TW2 thì có phát xà bông, khăn mặt và bàn chải. Các nơi khác có thể không có.
Nên mang theo 1 con dao gọt trái cây, thìa (các bữa ăn tại bệnh viện dùng thìa nhựa rất khó chịu nên nếu có thìa inox sẽ thoải mái hơn cho ăn uống) nước rửa chén và đồ rửa chén. Ly cốc nhựa, nên mang theo 1 ấm siêu tốc để pha cafe, trà khi có nhu cầu.
+ Đồ ăn: 1 ngày bạn sẽ có 3 bữa ăn và sau bữa ăn chiều thì sẽ là bất khả thi nếu bạn muốn ăn thêm đồ ăn hoặc mua thêm (cantine ở đây đóng cửa 19h30 và bạn gọi 1 món thông thường sẽ chờ từ 1 đến 2 tiếng) vì vậy để chủ động nên mang theo bánh kẹo, mì gói, hoa quả để được lâu bên ngoài. 1 chai nước mắm nhỏ là rất nên vì đồ tại đây thường khá nhạt. Có thể mang thêm đồ hộp để thay đổi món…
Bạn có thể mang theo rượu, trà, cafe, thuốc lá (tính số lượng dùng cho 14 ngày luôn). Không ai cấm bạn vì bạn không phải là bệnh nhân. Bạn chỉ là người đi thực hiện nhiệm vụ cộng đồng. Tuy nhiên bạn cũng không có cơ hội để có thể nhậu say bí tỉ trong bệnh viện đâu.
+ Đồ giải trí: đối với mình, đây là thứ cực kỳ quan trọng, nó là thứ hữu hiệu nhất giúp bạn vượt qua những giây phút chán nản. Sách truyện, loa bluetooth, laptop, đàn, sáo, nói chung những thứ gì không quá cồng kềnh và làm phiền những người xung quanh là được.
Pin sạc dự phòng, sạc là thứ luôn cần. Không phải nơi nào cũng sẵn ổ cắm. 3G, 4G nên đầy đủ vì không phải chỗ nào cũng căng đét wifi. Không ai cấm bạn sử dụng những thiết bị cá nhân.
+ Quần áo: mang quần áo gọn nhẹ, dễ giặt, tốt nhất nên mua đồ lót dùng 1 lần đủ dùng trong 2 tuần để đỡ phải giặt giũ. Quần áo mặc ngoài 2- 3 ngày thay 1 bộ cũng chẳng sao vì gần như bạn không có cơ hội tiếp xúc với bụi bẩn. Nên có áo ấm vì mùa này nhiệt độ thất thường và chăn khá mỏng và sẽ luôn được bật quạt, mở cửa sổ để không khí lưu thông.
Đi dép lê và nếu cần thì mang thêm 1 đôi giày thể thao để hàng ngày luyện tập. Hành lý nên gói gọn trong 1 valy và đừng quá nặng vì có thể, bạn sẽ phải đổi phòng nhiều lần theo yêu cầu và tình hình nơi bạn ở.

Vũ Khắc Tiệp đi cách ly sau 3 tiếng vận động

Tâm lý: thứ chuẩn bị quan trọng nhất nếu không muốn nói là rất rất quan trọng.
Bạn không phải là một người bệnh, bạn không muốn bị kỳ thị, không muốn bị những ánh mắt thông cảm, thương hại nhìn mình cũng không được. Bạn chỉ có thể thay đổi nó bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Hãy coi như đây là 2 tuần đi nghỉ dưỡng. Khi bạn nhìn theo góc độ tích cực, thì đó là bạn đã trang bị cho mình 1 thứ vũ khí mạnh mẽ nhất và bộ áo giáp thật chắc chắn để “chiến đấu” trong thời gian cách ly.
Đa phần, mọi người sẽ nhiễm con virus trong tư tưởng, trong suy nghĩ trước khi con virus thật có thể xâm nhiễm bạn. Một tinh thần lạc quan, tích cực có thể còn chiến thắng cả bệnh ung thư thì con Covid cũng chỉ như ốc vít mà thôi. Hãy nhớ, bạn chỉ có nguy cơ chứ không phải đã nhiễm. Mà nếu nhiễm thì chữa, vì con virus này chưa giết được ai ở Việt Nam. Nó chỉ giết được tinh thần bạn nếu bạn cứ quá lo lắng, căng thẳng.
Các khu tập trung cách ly đều khá xa trung tâm và không dễ để tiếp tế hàng ngày nên rất hạn chế việc tiếp tế.
Vậy nên các bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi vật dụng và bình thản nếu chẳng may có một cô hàng xóm không may bị nhiễm Covid-19 nhé.
3 ngày đầu là những thời gian rất kinh khủng vì bạn chưa quen. Hãy giết thời gian bằng những trò giải trí của bạn, sau đó tình hình sẽ ổn hơn rất nhiều và thậm chí bạn sẽ tỉnh táo nhìn nhận ra những điều mà bạn chưa từng thấy. Sau 5 ngày, cuộc sống của bạn sẽ ổn định lại và thời gian sẽ lại trôi nhanh hơn bạn nghĩ nhiều đó.
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh Covid-19!

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch Covid-19.


An Lê