Là dâu út, lúc mới về nhà chồng tôi ấn tượng với nền nếp sinh hoạt trong gia đình anh. Ai cũng ăn uống, nói năng có trên có dưới, ba chồng là người đàn ông rất nghiêm chỉnh mẫu mực, ai cũng kính trọng.
Tôi hơi căng thẳng, ngại ngần, nhưng thấy mình may mắn sống trong gia đình ai cũng biết quan tâm lo lắng cho nhau. Điều khiến tôi chú ý nhất là mỗi dịp lễ tết, gia đình chồng có thói quen tặng quà cho ba mẹ. Khi thì anh em góp quà tặng chung, khi thì tặng riêng, tùy đề xuất của anh cả.
|
Mẹ chồng thích dâu con quan tâm. (Ảnh minh họa) |
Ban đầu tôi cũng háo hức, hỏi ý kiến các chị dâu. Có một điều lạ là hai chị chỉ cười rồi bảo “tùy em”, khiến tôi hơi rối. Ba chồng tôi dễ tính, tôi tặng gì ông cũng vui, cũng khen, riêng chỉ có mẹ chồng là khó chiều, khó đoán.
Năm đầu tiên, tôi tặng chiếc túi xách hàng hiệu, thấy bà vui ra mặt. Năm tiếp theo, tôi kỳ công lắm mới tìm được mẫu áo dài phù hợp với phong thái sang trọng của bà, chỉ tiếc là mẹ chồng không được vui lắm. Dù bà không tỏ thái độ, nhưng cách dẫn dắt “mẹ được cái nhiều áo dài, mẫu nào cũng có, màu nào cũng đủ”, tôi hiểu rằng năm nay, món quà của tôi chưa được lòng mẹ.
Tôi đưa chuyện này tâm sự với chị dâu cả, cứ nghĩ chị giữ kẽ, ai dè như trúng vào gan ruột, chị trút hết nỗi niềm. Chị kể rằng, về làm dâu nhà này có nhiều thứ tốt đẹp để học, duy chỉ mệt sự "nhõng nhẽo" của mẹ chồng.
Mẹ chồng tôi vốn con nhà giàu có, được cưng chiều từ trứng nước, kiểu cách tiểu thư đã ăn sâu vào lối sống của bà. Bà thích được người khác chăm sóc chiều chuộng. Phải công nhận rằng, ba chồng tôi đã đáp ứng nhu cầu đó một cách xuất sắc trong suốt mấy chục năm qua, còn các con trai của mẹ cũng ngoan ngoãn nghe lời bà hết mức.
Phận làm vợ, nhiều khi chị ao ước chồng mình được một nửa tính cách tâm lý, quan tâm người khác như ba chồng. Tóm lại trong gia đình, mẹ chồng là người có uy quyền cao nhất. Bà không khó tính, chưa đến mức xét nét và hay nói xấu dâu con, nhưng thích mọi người phải biết được sở thích của mình.
Cũng giống tôi khi mới về làm dâu, chị cố tìm hiểu để khiến bà vui nhưng về sau, phần vướng bận con cái, phần việc cơ quan, chị chẳng còn kiên nhẫn và thời gian để xem sở thích của mẹ chồng là gì. Dần dà trở nên đối phó, biết thế nên mẹ chồng cũng chơi bài “lật ngửa”.
Trước ngày lễ khoảng một tuần, mẹ rủ ba đến từng nhà con cái đi chơi. Cái hay là lúc nào bà cũng đưa quà bánh cho các cháu rất nhiều nhưng sau đó là đi vào trọng tâm. Các kiểu gợi ý “bà bạn thể dục của mẹ vừa khoe có cái vòng đeo huyết áp” “mẹ định mặc bộ áo này đi đám cưới nhưng chưa biết mang đôi giày nào cho phù hợp”, “ba mẹ qua nhà bác Hà thấy cái ghế matxa êm lắm”… Nghe vậy đủ hiểu muốn cái gì, khổ nỗi thích là thích như thế, nhưng mua về ít hôm đã thấy bà lơ là chẳng ngó ngàng gì tới chúng. Có khi món đồ mua tới mấy triệu bạc chỉ để bà dùng vài bữa rồi cho nhà hàng xóm.
|
Món quà từ tâm là món quà quý giá nhất. (Ảnh minh họa) |
Chị đã qua 12 năm, tôi bước vào năm thứ 3. Sự hào hứng của tôi qua thực tế mắt thấy tai nghe đã có phần giảm sút. Tôi thương yêu chồng và kính trọng gia đình anh nhưng kiểu đài các, cả thèm chóng chán của mẹ anh khiến tôi nản. Tôi muốn thái độ quan tâm phải xuất phát từ sự tự giác và chân thành, sự gợi ý nhắc khéo trở thành gánh nặng cho nhau. Vừa lòng thì không sao, chưa đúng ý thì trở nên gượng gạo, ngày lễ sẽ kém vui khi mẹ chồng cất gói quà trong tủ mà không đem ra dùng. Giá trị vật chất là thứ hiện hữu, còn tình yêu thương thì khó mà cầm nắm để có thể hiểu được thích trước mặt, chán sau lưng.
Năm nay mẹ chồng không đến nhà chơi vì ngại ra đường nhiễm COVID -19 nhưng thông điệp đã được gửi qua người con trai út. Chồng tôi kể lúc vừa ở nhà ba mẹ về, mẹ thương mấy người nuôi tôm hùm cần giải cứu nên suốt buổi cứ nhắc lui nhắc tới.
Tôi hiểu ngay nên cầm điện thoại báo cho hai chị, thật không ngờ chúng tôi có ý kiến giống nhau: ngày 8/3 năm nay mấy chị em sẽ làm tiệc tại nhà mời ba mẹ, món ăn chủ đạo sẽ là tôm hùm. Thay vì chúng tôi phải loay hoay với những món quà mang tính hình thức thì bây giờ bữa ăn đại gia đình sẽ khiến cho mọi người xích lại gần hơn. Tôm hùm nướng hay hấp thế nào sẽ hỏi mẹ sau, nhưng tôi đoán bà sẽ hài lòng vì tình cảm của cháu con đã đong đầy trong đó.
Theo Minh Đức/ Phunuonline