Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tại BV Nhiệt đới Trung ương và một số bệnh viện khác ở Hà Nội những ngày gần đây số lượng bệnh nhân mắc cúm A đang không ngừng gia tăng.
Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày qua, lượng bệnh nhi nhập viện vì cúm A tăng cao, với khoảng 100 -130 trẻ đến khám mỗi ngày có các dấu hiệu nghi ngờ cúm. Hiện tại, số bệnh nhân điều trị là 150 trẻ mắc cúm A. Có bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, viêm phế quản…
Có trẻ sốt cao, không đáp ứng với uống thuốc giảm sốt, thậm chí bị co giật, viêm mũi, đau họng, mệt lả kèm theo các bệnh lý khác. Có gia đình, cả nhà bị cúm A.
|
Nếu bị cúm, chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn, đã khiến cho bệnh cúm mùa chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm. |
Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương), khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, biểu hiện của bệnh cúm đối với trẻ em hoặc người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi rút cúm (thời gian ủ bệnh), các biểu hiện ban đầu có thể là: sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi… Sau đó là ngạt mũi, ho và chảy nước mũi.
Ở trẻ có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên.
Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
Thông thường trẻ mắc cúm A sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế.
Video "ĐBSCL khẩn trương phòng chống cúm A/H1N1". Nguồn: VTC.
PGS Dũng khuyến cáo khi trẻ được chẩn đoán mắc cúm thông thường, không nhất thiết phải nhập viện mà có thể chăm sóc tại nhà. Cha mẹ lưu ý vệ sinh đường hô hấp bằng dung dịch nước muối sinh lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, khi trẻ nằm viện nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom, mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang vi rút cúm ra cộng đồng.
Phải làm gì khi nghi ngờ mắc cúm A/H1N1?
Thực hiện xét nghiệm: Cần làm xét nghiệm để xác định có phải cúm A/H1N1 hay không, nhất là đang trong đợt dịch.
Đối với trẻ em: Trẻ thở nhanh, cảm giác khó thở. Da xanh, niêm mạc nhợt. Không uống được nước, nôn mửa nhiều lần, hay nôn liên tục. Trẻ ngủ li bì, mệt không chịu chơi. Có thể hết sốt 1 - 2 ngày , đỡ sổ mũi, nhưng sau đấy lại sốt, ho nhiều hơn.
|
Hãy khám bác sĩ khi có các dấu hiệu sau nghi ngờ bị cúm A/H1N1. |
Đối với người trưởng thành: Khó thở, thở nhanh. Cảm giác đau, chèn ép ngực, bụng. Hay bị choáng. Không tỉnh táo. Nôn, mửa tăng lên nhiều lần, liên tục. Tình trạng dần một nặng lên, ho sốt ngày càng nặng lên.
Cách ly khi bị bệnh: Hãy ở nhà ít nhất là 24 giờ sau khi hết sốt (không sử dụng thuốc giảm sốt). Tránh đám đông, tránh trường học, cách ly với người thân và bạn bè để tránh lây lan virus cúm cho người khác.
Uống thuốc theo chỉ định: Dự trữ thuốc theo đơn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều mà bác sĩ đã kê.
Vệ sinh không gian sống: Đối với đồ dùng, quần áo, vải lanh của người bệnh cần rửa sạch, tiệt trùng. Tách riêng đồ dùng của người bệnh để phòng tránh lây lan.
Cúm A/H1N1 là căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của bạn và gia đình. Mặc dù vậy, có thể phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp chủ động như luôn giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh nhiễm lạnh, tiêm vắc xin phòng cúm đầy đủ, đúng lịch. Hay khi nghi ngờ người thân hay chính mình bị bệnh, hãy mang khẩu trang y tế và đến các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm, chẩn đoán bệnh kịp thời.
Thảo Nguyên (TH)