Cuộc chạy đua sáng chế vacxin chặn dịch bệnh Zika bùng phát

Google News

(Kiến Thức) - Ngay sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về virus Zika ăn não người, các hãng dược trên thế giới đã tuyên bố những dự án mới nhất về vacxin kháng virus Zika.

Mới đây nhất, ngày 4/2, một nhà sản xuất vacxin tại Ấn Độ tuyên bố đang phát triển loại vacxin đầu tiên trên thế giới chống virus Zika ăn não người. Nhà sản xuất Bharat Biotech có trụ sở tại thành phố miền Nam Hyderabad thông báo đã phát triển hai loại vacxin trong một năm qua và đã sẵn sàng thử nghiệm các vacxin này trên động vật.
Mới ngày hôm qua (3/2), hãng dược phẩm lớn nhất châu Á Takeda Pharmaceutical có trụ sở tại Osaka (Nhật) cũng thông báo đã triển khai một nhóm chuyên gia 8 người để đánh giá các khả năng phát triển vacxin phòng virus Zika, loại virus có khả năng gây teo não ở trẻ sơ sinh, đang lây lan mạnh tại nhiều nước ở châu Mỹ.
Hãng tin Bloomberg đưa tin người đứng đầu nhóm chuyên gia này là ông Rajeev Venkayya, Chủ tịch Phân bộ kinh doanh vacxin toàn cầu của Takeda Pharmaceutical.
Takeda Pharmaceutical đã triển khai một số chương trình vacxin để phòng các loại bệnh do những virus cùng họ với virus Zika gây ra. Trong năm nay, hãng này sẽ tiến hành các thử nghiệm ở giai đoạn cuối cùng đối với vacxin phòng sốt xuất huyết. Cả virus gây sốt xuất huyết lẫn virus Zika đều lây lan qua đường muỗi vằn đốt và khiến người bị nhiễm có những triệu chứng khá giống nhau như sốt, nhức đầu, viêm kết mạc.
Cuoc chay dua sang che vacxin chan dich benh Zika bung phat
 Hãng dược phẩm Sanofi công bố dự án bào chế vacxin phòng chống virus Zika.
Ngay sau đó, hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) hôm 2/2 cũng công bố dự án bào chế vacxin phòng chống virus Zika - bị nghi gây ra chứng teo não trẻ sơ sinh. Đây được xem là nhà sản xuất vacxin lớn đầu tiên tham gia nỗ lực đối phó loại virus lây truyền qua muỗi và hiện chưa có vắc-xin hoặc phương thuốc đặc trị nào.
Trước đó, các nhà khoa học Mỹ cho biết, hiện đang có một dự án được các nhà khoa học thuộc khoa Dược đại học Texas, Mỹ đang tiến hành với hi vọng tìm ra loại vacxin đặc hiệu để chấm dứt nỗi lo sợ đang bao trùm nhiều quốc gia châu Mỹ.
Họ đã đến Brazil để trực tiếp thu thập mẫu xét nghiệm và đưa về các phòng thí nghiệm cao cấp tại Galveston phụ vụ cho việc nghiên cứu. Tòa nhà đặt phòng thí nghiệm luôn được cảnh sát và FBI giám sát vô cùng chặt chẽ.
Tuy nhiên các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, mặc dù loại vacxin này có thể sẵn sàng để thử nghiệm trong vòng 2 năm tới, nhưng quá trình để đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế có thể kéo dài 10 năm.
Hiện tại đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Mỹ ghi nhận các ca nhiễm virus, trong đó phải kể đến Brazil với hơn 3.700 trường hợp dị tật đầu nhỏ bẩm sinh có liên quan đến loại virus này.
WHO ước tính khoảng 4 triệu người tại châu Mỹ có thể bị lây nhiễm virus Zika. Điều này càng làm tăng thêm mức độ cấp bách của các nghiên cứu phát triển loại vacxin hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.
Do chưa có vacxin phòng bệnh nên cách duy nhất chủ yếu là hạn chế đi đến vùng lưu hành dịch Zika. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn.
Tại vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diện muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng. Đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt,...
Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Zika.

Ngọc Anh