Tỷ lệ tử vong cao nếu cấp cứu muộn
Ông Nguyễn Xuân Thảo (73 tuổi ở Hưng Yên) cấp cứu tới Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốc mất máu da xanh tái nhợt nhạt, tụt huyết áp. Thăm khám thấy một khối ở bụng đập theo nhịp đập của tim. Bệnh nhân được chẩn đoán phình ĐMC bụng - chậu 2 bên đã vỡ.
Ngay lập tức ông được hồi sức cấp cứu, siêu âm tại giường, dự trù máu và chuyển thẳng lên phòng mổ. 30 phút sau, phẫu thuật cho thấy, ngoài khối máu tụ lớn phía sau phúc mạc do vỡ động mạch chủ bụng từ dưới động mạch thận và trên động mạch chậu, máu từ đoạn ĐMC vỡ vẫn đang phun.
Sau khi kẹp được ĐMC, kíp mổ đã lấy bỏ huyết khối và thay đoạn ĐMC bụng - động mạch chậu 2 bên bằng đoạn mạch nhân tạo. Ca mổ kéo dài 3,5 giờ, truyền 5 lít máu, các bác sĩ đã thực hiện ghép thay đoạn ĐMC bụng – động mạch chậu 2 bên bằng mạch máu nhân tạo. Sau mổ bệnh nhân ổn định và xuất viện sau 9 ngày.
|
Phẫu thuật thay ĐMC cho bệnh nhân tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. |
ThS Ngô Vi Hải, Quyền Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, vỡ phình ĐMC bụng là một tối cấp cứu do bệnh nhân bị mất máu rất nặng, tử vong nhanh nếu không được mổ cấp cứu kịp thời. Bởi ĐMC bụng là mạch máu lớn, cung cấp máu cho toàn bộ nửa dưới cơ thể từ bụng trở xuống nên khi vỡ phình ĐMC, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong do mất máu.
Phình ĐMC bụng có thể hình thành ở bất cứ người nào, nhưng thường gặp hơn ở người trên 60 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp. Phình động mạch càng lớn, nguy cơ vỡ, tử vong càng cao. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong cấp cứu, chăm sóc, phẫu thuật... nhưng tỷ lệ phình ĐMC bụng vỡ cấp cứu muộn tử vong 80 - 90%.
Trong số những bệnh nhân vỡ phình ĐMC bụng còn sống sót khi tới bệnh viện, được mổ cấp cứu kịp thời tỷ lệ tử vong cũng có thể lên tới 40% và tỷ lệ sống sót toàn bộ là dưới 25%.
Kẻ giết người thầm lặng
Theo ThS Ngô Vi Hải, phình ĐMC có tỷ lệ tử vong rất cao. Ở Việt Nam, số bệnh nhân phình ĐMC được phát hiện ngày càng nhiều. Các yếu tố nguy cơ của bệnh là thói quen hút thuốc lá, huyết áp cao, béo phì, tăng cholesterol máu...
ĐMC là đường dẫn máu lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim và chia nhánh đưa máu từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Phình ĐMC là sự suy yếu một đoạn thành ĐMC dẫn đến giãn bất thường với đường kính > 50% đường kính bình thường. Túi phình phát triển từ từ trong nhiều năm. Ở bệnh nhân gầy, thành bụng mỏng, có thể bệnh nhân tự sờ thấy một khối căng ở vùng rốn, đập theo nhịp tim, ngoài ra không gây ra triệu chứng gì rõ rệt. Bệnh tồn tại thầm lặng trong nhiều năm, lớn dần lên cho tới khi có biến chứng vỡ khối phình gây chảy máu.
Các triệu chứng đến đột ngột gồm: Đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng bụng hoặc phía sau lưng – đau nhiều, đột ngột, kéo dài, liên tục. Đau có thể lan xuống bẹn, mông và chân. Toàn trạng suy sụp như lo lắng, vã mồ hôi. Tim đập nhanh, huyết áp tụt và có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc. Vỡ phình ĐMC bụng là một tình trạng vô cùng nguy hiểm có tỷ lệ tử vong 80 - 90% khi cấp cứu không kịp thời. Tuy vậy, phẫu thuật thường quy ghép thay khối phình ĐMC trước khi có biến chứng vỡ lại là một phẫu thuật rất hiệu quả, có độ tin cậy cao với tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 1%.
ThS Ngô Vi Hải khuyên, những người có nguy cơ nên đi kiểm tra để phát hiện sớm và điều trị phồng ĐMC. Nếu túi phình có kích thước nhỏ (dưới 5cm), bệnh nhân được điều chỉnh các yếu tố nguy cơ (ngừng hút thuốc, điều chỉnh giảm cân...), tránh mang vác vật nặng hoặc hoạt động thể thao đòi hỏi gắng sức nhiều, tránh stress, tập thể dục đều đặn; tuân thủ điều trị huyết áp, mỡ máu để giữ ở mức bình thường...
Ngoài ra, người bệnh cần được theo dõi tiến triển khối phình bằng siêu âm 6 tháng đến 1 năm/lần. Nếu tốc độ tăng lên của đường kính khối phình trên 1cm/năm, hoặc kích thước túi phình lớn > 5,5cm, bệnh nhân cần được phẫu thuật để thay đoạn phình bằng mạch nhân tạo hoặc can thiệp mạch đặt giá đỡ ĐMC. Ngoài ra, bệnh nhân phải đến phòng cấp cứu ngay khi đau bụng dữ dội hoặc bất cứ triệu chứng nào khác của túi phình động mạch.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa và trăn trở của thầy thuốc(nguồn Youtube):
Nhật Hà