3 ngày trước, bà T.H.C. (62 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được người nhà đưa vào một bệnh viện ở Bạc Liêu cấp cứu.
Thời điểm vào viện, bà C. có biểu hiện lơ mơ, bứt rứt, thở mệt, buồn nôn, toàn thân phù nề kèm đau nhức nhiều. Người nhà cho biết, bà bị ong bắp cày đốt.
|
Vết ong đốt trên người bà C. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp). |
Qua thăm khám, bác sĩ xác định bà C. bị ong đốt hơn 50 vết, dẫn đến suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng.
Sau hơn 24 giờ lọc máu liên tục và điều trị nội khoa tích cực, tình trạng sức khỏe của bà C. mới được cải thiện. Các vết ong đốt giảm đau nhức, sưng nề, sinh hiệu ổn định, tình trạng tổn thương đa cơ quan và rối loạn đông máu của bệnh nhân được kiểm soát.
Hiện bệnh nhân tỉnh táo, có thể ăn uống và nói chuyện được bình thường. Dự kiến bệnh nhân C. xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ, ong đốt là một trong những tai nạn thường xảy ra trong lao động, sản xuất, đặc biệt là ở những nơi có nhiều cây cối, bụi rậm xung quanh.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được xem nhẹ khi bị ong đốt, vì nọc độc của loài ong khi tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ dẫn tới nguy cơ suy đa tạng và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bị ong đốt và có những biểu hiện như đau nhức nhiều, sưng phù toàn thân, lơ mơ, khó thở, buồn nôn, tiểu ra máu…, người dân lập tức gọi ngay cấp cứu hoặc nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Huỳnh Hải/Dân Trí