Cứu bệnh nhân sốc mất máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh viện mới cứu sống một bệnh nhân bị sốc mất máu nặng do vỡ tĩnh mạch thực quản trên đường chuyển tuyến bệnh viện.
Theo đó,ngày 16/5/2024, bệnh nhân N.X.T., 52 tuổi, trú tại Hà Giang đang trên đường chuyển tuyến từ Hà Giang về Bệnh viện Bạch Mai thì có diễn biến bệnh nghiêm trọng, bệnh nhân nôn ra máu nhiều lần, huyết áp tụt… nên đã được xe cứu thương của Bệnh viện Hà Giang đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để cấp cứu.
BSCKII Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh nhân có tiền sử xơ gan, xuất huyết tiêu hóa nhiều lần, đã thắt tĩnh mạch thực quản 3 lần…bệnh nhân nhập viện trong tình trạng niêm mạc nhợt, đau bụng vùng thượng vị, đi ngoài phân đen, nôn ra nhiều máu đỏ tươi, hoa mắt chóng mặt, huyết áp tụt…
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm tối khẩn cấp, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Khoa Cấp cứu nhanh chóng cho bệnh nhân dùng các thuốc nâng huyết áp, bù dịch, điện giải, bù máu… Đồng thời, liên hệ và phối hợp với Khoa Nội Tiêu hóa thực hiện nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng cấp cứu.
Trong suốt quá trình di chuyển và nội soi tiêu hóa, bệnh nhân luôn được đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, huyết động ổn định.
Can thiệp thắt tĩnh mạch thực quản cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
Tại phòng nội soi tiêu hóa, bệnh nhân diễn biến xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, nhưng nhờ có kíp nội soi gây mê trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, bệnh nhân đã thực hiện kỹ thuật thắt tĩnh mạch thực quản thành công (thắt 5 vòng cao su), giúp bệnh nhân cầm máu ngay, sau đó đưa về khoa Cấp cứu tiếp tục điều trị, duy trì các thuốc vận mạch, bù máu, điều chỉnh rối loạn đông máu...
Sau 1 ngày được các y bác sỹ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang nỗ lực hết mình, tận tình cứu chữa, truyền bổ sung 5 đơn vị máu, điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và sẽ được chuyển tuyến về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tiếp.
50% bệnh nhân xơ gan bị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản
Các bác sĩ cho biết, xơ gan là một trong những bệnh lý rất phổ biến hiện nay với các biến chứng thường gặp của xơ gan như vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, cổ trướng, nhiễm khuẩn màng bụng tiên phát, hội chứng gan thận, bệnh não gan...
Thăm khám cho bệnh nhân sau can thiệp - Ảnh BVCC
Với giãn tĩnh mạch thực quản, có nhiều mức độ tổn thương, thường được phát hiện khi có chảy máu đường tiêu hóa. Phần lớn bệnh nhân đến viện trong tình trạng chảy máu đường tiêu hóa nặng, thậm chí đe dọa sinh mạng người bệnh nếu không được xử lý kịp thời.
Nguyên nhân xơ gan gây vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là do gan là cơ quan trữ máu, điều hòa hoạt động của tim, làm giảm áp trong tĩnh mạch chủ dưới mỗi khi áp lực đó lên cao. Nhưng mao mạch gan lại gây một trở lực lớn cho tuần hoàn gan, cho nên áp lực tĩnh mạch cửa bình thường cao hơn áp lực ở tất cả các tĩnh mạch khác.
Nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch do xơ gan là do hệ thống tĩnh mạch cửa bị tắc ở một đoạn nào đó trước xoang hoặc sau xoang hoặc không do tắc mà do luồng máu đến nhiều hoặc tăng áp tĩnh mạch cửa không rõ nguyên nhân...
Thực tế nghiên cứu cho thấy, có đến 50% người mắc bệnh xơ gan bị giãn tĩnh mạch thực quản. Mỗi năm, số người bị giãn tĩnh mạch thực quản tăng khoảng 5 – 15%. Đặc biệt, khi giãn tĩnh mạch thực quản chuyển sang biến chứng nặng, tĩnh mạch thực quản sẽ bị vỡ. Nếu không đi kèm xơ gan, mức độ tử vong từ 5 – 10%. Nếu kèm theo xơ gan, tỷ lệ tử vong lên tới 40 – 70%.
Với bệnh nhân vỡ tĩnh mạch thực quản, 40% trường hợp tự ngưng chảy máu. Tuy vậy, nếu không được điều trị thì sẽ có 30% chảy máu tái phát trong vòng 6 tuần, 70% trong 12 tháng và mức độ chảy máu cũng như tỷ lệ tử vong ở những lần chảy máu tái phát rất cao.
Vì vậy, khi bệnh nhân nôn ra máu nghĩa là tĩnh mạch thực quản bị vỡ, phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thực quản, việc chỉ định phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cơ bản là nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, mức độ đáp ứng của người bệnh…
Chiến lược điều trị cần ưu tiên phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản và phòng chảy máu trở lại bằng việc điều trị làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa và dùng các biện pháp tác động trực tiếp lên tĩnh mạch như tiêm xơ, thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su…
Ngoài biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản, xơ gan còn dẫn tới xơ gan cổ chướng, đái tháo đường, sỏi mật, đau khớp, loãng xương, ung thư gan, hôn mê gan và tử vong. Vì vậy, khi được chẩn đoán bị bệnh gan, cần gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm và điều trị nguyên nhân ngăn ngừa bệnh gan diễn tiến tới xơ gan.
Thúy Nga