Đây là một ca bệnh nặng và phức tạp tại bệnh viện, sự phục hồi của bệnh nhân vượt trên sự mong đợi của tập thể bác sĩ.
Nổ khí gas từ khoan giếng
Nằm trong phòng bệnh, sau phẫu thuật lần thứ 2 được 5 ngày, anh Nguyễn Thế Hưng đã khá khoẻ mạnh. Ngồi nhớ lại khoảnh khắc "thập tử nhất sinh", anh cho biết: "Tôi làm nghề khoan giếng, hôm đó chúng tôi khoan tại huyện Quốc Oai, thấy nước chưa lên, tôi mới cúi xuống đất ghé miệng vào hút nước, bất chợt một luồng khí mạnh khiến tôi bắn lên cao và rơi xuống đất. Khi tỉnh lại thì mới biết mình đang nằm trong bệnh viện do nổ khí gas".
PGS.TS Nguyễn Trường Giang và TS Nguyễn Ngọc Trung (Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện 103) tiếp nhận bệnh nhân Hưng trong tình trạng miệng rách, khó thở nặng, sốc nặng, tràn khí màng phổi trái và trung thất sau chấn thương ngực kín do nổ khí gas, ngay lập tức bệnh nhân được dẫn lưu màng phổi trái và đặt nội khí quản hồi sức tích cực.
Bệnh nhân được đặt xông dạ dày, nhưng tình trạng khó thở không cải thiện và khi bơm sữa qua xông dạ dày thì thấy thức ăn qua dẫn lưu màng phổi chảy ra ngoài nên các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân vỡ thực quản. Bệnh nhân được tiến hành chụp CT lồng ngực, dẫn lưu màng phổi phát hiện máu lẫn dịch như dịch tiêu hóa qua ống dẫn lưu, nội soi lồng ngực trái kiểm tra thấy vỡ thực quản 1/3 giữa dưới, dài 9 - 10cm dọc theo chiều thực quản, rập nhu mô phổi, thành thực quản tổn thương bầm rập, vỡ nát không thể khâu kỳ đầu được.
Các bác sĩ nhận thấy không thể phẫu thuật bệnh nhân trong khi sức khoẻ quá suy kiệt, kíp mổ đã hội chẩn và trao đổi với giám đốc ngay trong đêm để cô lập thực quản... Bệnh nhân được xử trí bộc lộ thực quản ở nền phổi trái, thắt và cô lập thực quản đặt một xông vào thực quản để dẫn lưu ra ngoài, mổ bụng bộc lộ vùng thực quản, nội soi ổ bụng, kiểm tra các tạng không có tổn thương, bộc lộ vùng thực quản sát tâm vị tiến hành thắt cô lập thực quản ngực với bụng mở thông dạ dày sát về phía bờ cong nhỏ để nuôi dưỡng, với ý tưởng sau khi bệnh nhân ỏn định về mặt hồi sức sẽ tiến hành cắt thực quản và tạo hình dạ dày thay thực quản. Sau mổ lần một được 12 ngày, bệnh nhân ra viện về nhà nuôi dưỡng, ăn qua xông dạ dày, bệnh nhân khạc nhổ nuốt bọt không nuốt được.
|
Bệnh nhân Hưng nhớ lại khoảnh khắc "thập tử nhất sinh". |
Phẫu thuật lần 2 sau 2,5 tháng ăn xông
Sau 2,5 tháng chữa trị, thể trạng bệnh nhân Hưng tốt hơn, tăng cân và được chuyển về Khoa Ngoại bụng.
TS Đặng Việt Dũng, Trưởng khoa Ngoại bụng cho biết, các bác sĩ trong khoa đã tiến hành mổ nội soi bóc tách lấy bỏ hoàn toàn phần thực quản tổn thương cũ qua ngực phía bên phải. Do tổn thương nên thực quản viêm dính nhiều, bộc lộ vùng cổ trái theo đường mổ cũ để cắt thực quản ở nền cổ và mổ bụng tạo hình dạ dày thành một ống cuốn thay cho thực quản 30cm, dọc theo bờ cong lớn của dạ dày. Quá trình bảo toàn hệ thống động mạch, vi mạc nối trái, vi mạc nối phải để nuôi ống cuốn dạ dày, đưa ống cuốn dạ dày qua lỗ tâm vị vào đúng vị trí của thực quản cũ ở trong lồng ngực lên trên để nối với thực quản đầu trên nền cổ trái.
Sau phẫu thuật ngày thứ 4, bệnh nhân trung tiện tốt, dậy đi lại được, rút dẫn lưu màng phổi, nuôi dưỡng qua mở thong ruột non và sẽ cho ăn sau 1 tuần bằng đường miệng.
Phạm Hằng