Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận nam bệnh nhân Trần Văn Tình (34 tuổi, người dân tộc Mường, trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) trong tình trạng nguy kịch nghi bị rắn cạp nia cắn không hay biết.
Người nhà cho hay trước đó anh Tình có uống rượu rồi đi ra đồng khoảng 2 tiếng. Sau khi về nhà, người đàn ông này có dấu hiệu bị tê đầu lưỡi, tức ngực, khó thở tăng dần. Gia đình lập tức đưa bệnh nhân vào Bệnh viện huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp.
Tại đây, các bác sĩ đặt nội khí quản cho bệnh nhân rồi tiếp tục chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng hết sức nguy kịch khi hôn mê sâu, glasgow 3 điểm, thở hoàn toàn theo bóp bóng qua nội khí quản, liệt tứ chi, liệt thở hoàn toàn, sụp mi hoàn toàn, đồng tử hai bên giãn tối đa, mất hoàn toàn phản xạ với ánh sáng, nhịp tim đập nhanh 116 lần/phút...
Từ kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ loại trừ nguyên nhân đến từ các bệnh lý do tổn thương thực thể thần kinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó khoa Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - cho hay đây là một ca bệnh đặc biệt, nguyên nhân thường gặp là do rắn cạp nia cắn.
Những trường hợp này có tiên lượng tốt, người bệnh thường hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời bằng các biện pháp hồi sức tích cực. Ngay lập tức, bệnh nhân Tình được điều trị bằng thở máy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, kiểm soát dịch và điện giải, dinh dưỡng, chăm sóc toàn diện.
Rắn độc cắn, đặc biệt là rắn cạp nia, là một hiểm họa dễ cướp đi sinh mạng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh có thể tử vong nhanh do tình trạng liệt cơ hô hấp, hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do thiếu oxy não kéo dài, khi đó người bệnh tàn phế sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Hiện tại, người bệnh đã khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Bệnh nhân được ra viện sau 14 ngày điều trị”, bác sĩ Mai cho biết.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Theo Hà Quyên/Zing