Từ trước khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly toàn xã hội, tôi và chồng tương lai đã lên kế hoạch, dự tính cho một đám cưới hết sức gọn ghẽ chỉ có hai bên nội ngoại. Có nhất thiết phải cưới trong lúc bệnh dịch đang diễn biến phức tạp thế này không?
|
Ảnh minh họa. |
Câu trả lời sẽ dễ dàng là không nếu chúng tôi không vì những lý do khách quan đã một lần phải trì hoãn hôn lễ. Lần này, đám cưới được định ngày từ cuối năm ngoái, thế nên dẫu biết là khó, gia đình cũng muốn được cử hành đúng ngày.
Nhưng từ tối 31/3, anh đã nhận lệnh cấm trại toàn đơn vị, lập tức phải vào cơ quan ngay trong đêm, từ giây phút đó là trực 24/24. Quân lệnh như sơn, không có ngoại lệ, không có bất kỳ một sự nhân nhượng nào cho bất cứ ai.
Trong phút chốc, chúng tôi rơi vào trạng thái thất vọng tràn trề vì ngày cưới nằm trong khoảng thời gian 15 ngày vàng cách ly toàn xã hội.
Tôi vốn kiểu người đa sầu đa cảm, đã nghĩ rằng mối duyên này thật gian truân; có điều gì đó không an lành đang thách thức chúng tôi. Chồng tương lai của tôi thì lý trí hơn nhiều.
Anh nói, vì anh là lính, luôn ở tuyến đầu sẵn sàng cho mọi tình huống cấp bách nhất. Là người lính, thường phải lo trước nỗi lo của dân, vui sau niềm vui của dân.
Thương bộ đội, chẳng kể là thời chiến hay thời bình, người phụ nữ luôn phải xác định tâm thế cùng sẵn sàng và chịu đựng thiệt thòi như thế. Hãy bao dung và chia sẻ với anh. Thực lòng, anh cũng buồn lắm.
Dẫu đã chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất, nhưng nhất thời tôi vẫn nặng lòng ngẫm ngợi. Nghĩ về hai lần hoãn hôn, tôi đã khóc. Vốn làm công tác xã hội nhiều năm, bố tôi bình tĩnh đón nhận tin báo, động viên con gái đừng suy nghĩ nhiều.
Bố anh phần nhiều vì áy náy, đã “thương thảo” xin vẫn được mang lễ sang nhà gái và xin dâu đúng ngày. Nhưng hai bà mẹ thì không đành lòng nhìn một đám rước dâu không có chú rể.
Mẹ chồng gọi điện cho tôi, giọng bà run run: “Mẹ là phụ nữ, mẹ có con gái cũng làm dâu nhà người, nên mẹ không đành lòng nhìn con lủi thủi về nhà chồng mà không có chồng bên cạnh”.
Tôi trấn an và tự an ủi mình, vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cả nước đang “chống dịch như chống giặc” như thế, mình đâu thể làm khác được. Nếu không nghiêm túc chấp hành là vi phạm pháp luật. Về lý thì ba năm rõ mười là vậy, nhưng về tình, tôi lo cha mẹ mình khó xử.
Với người dân quê, ở góc độ tâm linh, chuyện cưới xin trắc trở cứ thấy gợn trong lòng, ít nhiều sẽ có những xì xào điều tiếng. Có người biết tin còn nhắn hỏi tôi: “Liệu anh ấy có đáng tin? Liệu đây có phải là tín hiệu của một sự… thoái hôn?”.
Tôi bỗng bật cười với những nghi vấn đó. Tình hình cấp bách, cả nước đồng lòng chống dịch như thế, chứ đâu phải anh muốn hay anh tự tạo tình huống như thế đâu mà nghi hoặc. Chúng tôi đã ở cạnh nhau đủ lâu để biết đối phương là mảnh ghép phù hợp cho mỗi người. Anh động viên và an ủi, kể cả những lúc tôi muốn tĩnh tâm để cân bằng cảm xúc, anh luôn trò chuyện vì không muốn tôi phải ở một mình.
Cân bằng cảm xúc của bản thân, chúng tôi đồng thời phân tích, động viên cha mẹ đôi bên. Mẹ tôi - một người mẹ quê chính hiệu, cả đời không bước chân ra khỏi xóm làng cũng đã thông hiểu.
Bà gọi điện cho con gái và cả con rể tương lai, vui vẻ trò chuyện. Bà bảo, sự cố hoãn cưới này chẳng phải lỗi do ai, dịch bệnh cả thế giới đang cùng gánh chịu kia mà. Thôi thì đợi dịch qua đi, lúc ấy tổ chức sẽ vui vầy, đông đủ hơn.
Nhiều người thân, bạn bè biết tin trước đó đã rất cảm thông chia sẻ, họ gửi quà kèm những lời chúc phúc chân thành tới chúng tôi. Điều đó càng khiến chúng tôi hoàn toàn thoải mái với quyết định của mình.
Tôi từng nghe một nhà văn nói rằng, tình yêu vốn là sự si mê và nó sẽ mất đi theo thời gian; hôn nhân dài lâu chính là phải biết chuyển hóa tình yêu thành tình yêu thương.
Thêm một chữ thương, đó chính là vợ chồng phải thấu hiểu và sẻ chia, là “cho đi” vô điều kiện như đối với một người anh trai, một cô em gái trong gia đình.
Tình huống bất ngờ khiến lễ cưới thêm một lần nữa phải trì hoãn, song chúng tôi đã học được cách biết chấp nhận, thấu hiểu để thương nhau. Không trách cứ, không đổ lỗi mà biết nắm tay nhau đúng lúc, xác tín niềm tin dành cho nhau trọn vẹn hơn.
Qua biến cố, chúng tôi cảm nhận mình cần đối phương hơn, tình thương cũng ngày càng lớn hơn trước. Chúng tôi nhắn nhủ, sẽ vui vẻ chờ nhau thêm chút nữa, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, nhanh thôi, rồi hai ta sẽ mãi được gần…
Theo Mai Đình/Báo Phụ nữ