Không khó nhận thấy là đa số chơi game online. Chị Hòa, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM than thở: "Mình bận đi làm nên chỉ có thể chở con đi chơi vào dịp cuối tuần, còn lại là để cháu tự chơi ở nhà.
|
Học sinh "cày" game online - Ảnh tư liệu: TIẾN THÀNH |
Mình quy ước là cuối mỗi ngày thưởng cho con một giờ chơi điện tử trên điện thoại. Nhưng một lần bất ngờ về nhà lấy tài liệu, mình tá hỏa thấy con đang say sưa chơi game online trên máy tính".
Hỏi ra mới biết tiền mẹ cho ăn sáng, cậu bé nhịn để dành chơi game. Cậu còn bảo lúc không phải học, "bạn con đứa nào cũng chơi game".
Hiện chị Hòa đang đau đầu tìm cách để con bớt mê chơi game - "nhiệm vụ" theo chị khá gian nan vì các trò chơi điện tử có sức hấp dẫn quá lớn với bọn trẻ.
Xét một cách công bằng thì game online cũng có mặt tích cực. Theo một nghiên cứu tâm lý học của Đại học Oxford Anh tiến hành trên 5.000 đứa trẻ, những trẻ chơi game trung bình dưới 1 tiếng/ngày thì dễ chỉnh đốn và hòa đồng với bạn bè hơn.
Những đứa trẻ này cũng ít hiếu động, ít gặp vấn đề cảm xúc hơn và thường có xu hướng giúp người khác nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do game đem đến cho trẻ một thứ ngôn ngữ chung, giúp chúng hòa đồng hơn.
Tuy nhiên, nếu lúc nào trong đầu trẻ cũng chỉ nghĩ đến việc học cho xong để được chơi game, cha mẹ cần có kế hoạch kéo con trẻ ra khỏi sự mê hoặc của nó.
- Trước hết, cần hiểu được nguyên nhân vì sao con mê game online. Không ít người, trong đó có trẻ em, trong cuộc sống thực tế không tìm thấy cảm giác an toàn, chán nản, buồn phiền, bất mãn vì không ai hiểu mình... nên đã tìm đến game để thỏa mãn mong ước của bản thân.
Nhiều bậc phụ huynh hiện nay do bận rộn với cơm áo gạo tiền nên chỉ biết chu cấp cho con đầy đủ cuộc sống vật chất mà bỏ qua điều trẻ rất cần: sự gần gũi, chia sẻ, thấu hiểu của cha mẹ.
Khi trẻ không biết thổ lộ cùng ai, phải đối mặt với nhiều áp lực, chúng mong tìm được một lối giải thoát và game online là một "cánh cổng" chúng chọn. Khi được hóa thân thành các hình tượng anh hùng, đại hiệp, hảo hán trong trò chơi điện tử, trẻ sẽ được những thành viên trong thế giới ảo "ngưỡng mộ", tung hô.
- Trẻ sau thời gian học tập và tham gia các hoạt động ở nhà trường cần có thời gian nghỉ ngơi, giải trí để lấy lại cân bằng. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con thư giãn, giải trí, song phải kiểm soát được số tiền và thời gian trẻ có để tránh trẻ sa đà vào game.
Đồng thời, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để kiểm soát thời gian rảnh của trẻ. Không để trẻ lợi dụng khoảng thời gian trống giữa ở nhà và đến trường để thỏa mãn nhu cầu chơi game.
- Tùy thuộc vào giới tính và lứa tuổi mà chọn những đồ chơi, trò chơi phù hợp cho con. Hãy chọn những đồ chơi mang tính sáng tạo như mô hình máy bay, xếp gỗ… là những đồ chơi thỏa mãn trí tưởng tượng của trẻ, nâng cao tính sáng tạo và tư duy logic của trẻ.
- Tổ chức cho trẻ nhiều hoạt động hấp dẫn, sinh động để lôi kéo trẻ tham gia các hoạt động, trải nghiệm ngoài trời cũng như các môn thể thao mà trẻ ưa thích. Dành thời gian cùng con đến các nhà sách, bảo tàng, sở thú, khu du lịch, đi xem phim để hướng tầm nhìn của trẻ ra thế giới rộng lớn.
- Một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ nghiện game online là do giữa cha mẹ con cái không tìm được tiếng nói chung. Chính khoảng cách ngày càng xa giữa cha mẹ và con trẻ đã từng bước đẩy trẻ bước vào thế giới ảo.
Vì vậy, cha mẹ hãy luôn quan tâm, gần gũi và chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc trong đời sống, sẵn sàng là điểm tựa vững chắc cho con.
Ở một khía cạnh nhất định, chơi game online là con đường để trẻ thể hiện lòng tự trọng của bản thân. Vì thế, để khắc phục tình trạng cứ xả hơi là trẻ tìm đến trò chơi điện tử, cha mẹ hãy tạo cho con một đời sống thể chất và tinh thần tích cực, sinh động, đầy ý nghĩa.
Theo Nguyễn Văn Công/Tuổi Trẻ