Qua các kết quả khám, xét nghiệm, chị T được chẩn đoán mắc ung thư hạch giai đoạn tiến triển.
Chị T chia sẻ, trước đó chị không có bất cứ triệu chứng gì. Khi phát hiện mắc ung thư hạch chị T đã rất bất ngờ.
Bác sĩ CKII Lâm Quốc Trung, Phó Trưởng khoa Hóa trị ung thư, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết ung thư hạch hay còn gọi là u lympho, ung thư hạch bạch huyết xảy ra khi tế bào bạch cầu lympho tăng sinh không kiểm soát. Ung thư hạch được chia làm 2 nhóm lớn: ung thư lympho và không lympho.
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2018, trên thế giới có 510.000 người mắc mới loại ung thư này, chiếm gần 6% tổng số ca bệnh ung thư và gần 250.000 người tử vong, chiếm 2,6% tổng số ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, có tới hơn 3.500 trường hợp mắc mới ung thư hạch và số người tử vong là 2.100. Ung thư hạch đứng hàng thứ 14 trong các loại ung thư tại Việt Nam.
Hệ bạch huyết là một phần trong hệ miễn dịch của cơ thể. Hệ bạch huyết gồm có hạch bạch huyết, mạch bạch huyết. Mạch bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn, virus và vi trùng.
Đổ mồ hôi về đêm là một triệu chứng cảnh báo ung thư hạch (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu của ung thư hạch
Theo bác sĩ Quốc Trung, ung thư hạch ở giai đoạn sớm thường ít có biểu hiện lâm sàng. Người bệnh chỉ đi khám khi hạch nổi nhiều và có các triệu chứng khác trên cơ thể. Lúc này thường bệnh đã ở giai đoạn tiến triển.
Bệnh ung thư hạch ở giai đoạn tiến triển thường có các triệu cứng như: sưng hạch bạch huyết, sốt, đổ mồ hôi đêm, chán ăn, ngứa, thở gấp, giảm cân không lý do, mệt mỏi dai dẳng.
Trong tất cả các triệu chứng của ung thư hạch, sưng hạch gặp ở đa số ở các bệnh nhân. Các hạch sưng thường cứng, dẻo và di động trong các mô xung quanh. Hạch sưng cứng hiếm khi gây đau nhưng các hạch bạch huyết mềm do nhiễm virus thường khiến người bệnh đau đớn. Nếu sưng hạch bạch huyết dai dẳng, người bệnh cần phải đi kiểm tra.
Bệnh đến ở giai đoạn muộn, hạch chèn ép gây ra phù chi, khó thở, sốt, thiếu máu… Bệnh diễn tiến có thể xâm lấn hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân có thể bị co giật.
Nguyên nhân dẫn tới ung thư hạch
Theo bác sĩ Quốc Trung, ung thư hạch cho tới nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bệnh có một số yếu tố nguy cơ như:
- Đột biến gen
- Tuổi tác: Những người trên 55 tuổi có cơ thể suy giảm hệ miễn dịch thường là nhóm người dễ mắc bệnh.
- Giới tính: Theo thống kê, tỷ lệ nam giới mắc bệnh này nhiều hơn nữ giới.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Người có hệ miễn dịch suy yếu do nhiều nguyên nhân như dùng thuốc ức chế miễn dịch; nhiễm virus, vi khuẩn gây suy giảm miễn dịch…
- Nhiễm phóng xạ: Người thường xuyên tiếp xúc với benzen có các chất bất diệt côn trùng, cỏ dại.
- Béo phì cũng có nguy cơ gây bệnh ung thư hạch.
Ung thư hạch được điều trị thế nào?
Theo bác sĩ Quốc Trung, mục tiêu điều trị ung thư hạch là tiêu diệt tế bào ung thư. Hiện nay, các phương pháp thường được áp dụng trong điều trị ung thư hạch là: hoá trị, xạ trị, miễn dịch, dùng thuốc đích. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng các phương pháp điều trị trên có thể tính tới ghép tế bào gốc.
Để phòng ngừa bệnh ung thư hạch, chuyên gia lưu ý cần có chế độ ăn phù hợp hoạt động thể lực; bỏ thuốc lá, rượu bia; theo dõi, tái khám theo lời khuyên của bác sĩ đối với những người có yếu tố nguy cơ.
Theo Phụ nữ Việt Nam