Nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Ô nhiễm không khí cũng là tác nhân làm trầm trọng bệnh COPD. Khi tiếp xúc các hạt ô nhiễm, bệnh nhân mắc COPD dễ bị phát bệnh, cấp cứu, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong.
Hen suyễn: Các nhà nghiên cứu phát hiện ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và cũng là nguyên nhân khiến số người mắc bệnh này ngày càng tăng.
|
Với những ngày ô nhiễm ở mức cao, nếu phải ra ngoài đường nên sử dụng khẩu trang đúng cách. |
Viêm phế quản: Tiếp xúc bụi mịn và khói từ môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản. Theo nhiều nghiên cứu, nitơ dioxide ngoài trời là yếu tố nguy cơ chính gây viêm phế quản mạn tính ở nữ giới.
Vô sinh: Nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy phụ nữ tiếp xúc mức độ ô nhiễm không khí cao có thể khó thụ thai tự nhiên. Một nghiên cứu khác của Đài Loan (Trung Quốc) theo dõi 6.500 nam giới phát hiện ô nhiễm có thể làm kém chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh.
Ung thư: Các hạt nhỏ nhất trong không khí là PM10 và PM2.5 có liên quan ung thư phổi do ô nhiễm. Nguyên nhân có thể là các hạt này gây thiệt hại gốc tự do, làm hỏng ADN trong tế bào, dẫn đến ung thư. Tiếp xúc lâu dài với amiăng trong không khí có thể gây ung thư biểu mô phát triển trong niêm mạc phổi, dạ dày hoặc tim.
U xơ nang: Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) phát hiện mối quan hệ đáng kể giữa lượng hạt mịn trong không khí với số lượng ca nhiễm trùng phổi liên quan u xơ nang. Mức độ ô nhiễm không khí cao có thể gây ra và làm trầm trọng thêm sự phát triển của căn bệnh này.
Các vấn đề về tim mạch: Các hạt nhỏ được tìm thấy trong không khí ô nhiễm có thể kích thích phổi và các mạch máu quanh tim, tăng nguy cơ đau tim, huyết áp cao và đột quỵ.
Dấu hiệu cơ thể đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí
Đau đầu, chóng mặt: Nguyên nhân của triệu chứng này là do lượng lớn CO2 gây cản trở việc nuôi dưỡng oxy khắp cơ thể.
Ho kéo dài: Theo các nhà khoa học, khi hít phải không khí bị ô nhiễm, cơ thể sẽ xuất hiện những cơn ho kéo dài vì tế bào phổi bị bao quanh bởi những hạt bụi mịn, vật chất ô nhiễm.
Khó thở, tức ngực: Nếu trực tiếp tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nhóm người bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở, kèm theo tức nặng ngực.
Đau mắt: Những người khỏe mạnh khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn cũng có những dấu hiệu như đau, mỏi mắt, dị ứng, chảy nước mũi, ngứa cổ. Bởi trong không khí chứa các hạt vật chất siêu mịn (PM), sulfur dioxide, ozone, nito dioxide và carbon monoxide bám vào các thành tế bào, gây nên hiện tượng kích ứng.
Rụng tóc: Tiếp xúc với các chất ô nhiễm phổ biến khiến lượng protein giúp tóc phát triển giảm đi đáng kể. Cụ thể, các hạt bụi mịn PM10 và diesel khiến hàm lượng beta-catenin, một loại protein thúc đẩy, duy trì sự mọc tóc trong cơ thể bị triệt tiêu.
Làm gì để bảo vệ sức khỏe?
- Đeo khẩu trang, kính mắt, áo chống nắng khi ra khỏi nhà. Với những ngày mức ô nhiễm cao, nên hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ nhỏ.
- Sử dụng máy lọc không khí trong nhà và giữ ấm cổ, mũi, họng.
- Nên thực hiện một số vệ sinh cá nhân như mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế thói quen này. Người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc.
- Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường, khu vực ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.
- Thời điểm này, nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.
Theo Trúc Linh/ANTĐ