Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Google News

Mọi người cần lưu ý tới các biểu hiện bệnh nặng như: bất tỉnh, thở yếu, ngừng thở, khó thở, co giật.

Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, thực phẩm là tất cả các đồ ăn, thức uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến.

Ngộ độc thực phẩm do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn), hoặc thực phẩm bị nhiễm hoá chất, hoặc bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật).

(Ảnh minh họa).

Bạn hãy nghĩ đến ngộ độc thực phẩm nếu bệnh liên quan nhiều tới việc ăn uống: người bệnh mới ăn xong và bị bệnh.

Có hai người trở lên có biểu hiện bệnh tương tự nhau sau khi cùng cùng ăn một loại thực phẩm, người không ăn thì không bị bệnh.

Các triệu chứng gợi ý: đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Thực phẩm có biểu hiện nghi ngờ. Biểu hiện cụ thể tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên.

Người bệnh chỉ có biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (đau bụng, nôn, ỉa chảy) có thể có các biểu hiện của mất nước (thường có khát nước), nhiễm trùng (thường có sốt). Nguyên nhân thường do vi sinh vật.

Các biểu hiện bệnh phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà ở các cơ quan khác ví dụ thần kinh, tim mạch,… thực phẩm được biết là loại không có chất độc tự nhiên. Nguyên nhân thường do hoá chất.

Bệnh xuất hiện sau khi ăn loại thực phẩm nhất định trong tự nhiên được biết có thể có độc tố: ví dụ sắn, măng, cá nóc, cóc,…. Do chính các loại thực phẩm này vốn có độc tố.

Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau:

- Các biểu hiện bệnh nặng ở đường tiêu hoá hoặc mất nước, nhiễm trùng.

- Các triệu chứng thần kinh, đặc biệt nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu.

- Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.

- Có máu hoặc chất nhày trong phân, đái ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như ngực, cổ, hàm), đau họng.

- Sức đề kháng của cơ thể kém: Trẻ dưới 2 tuổi, người cao tuổi, đang dùng các thuốc gây giảm miễn dịch (thường dùng trong bệnh khớp, ung thư, dị ứng), suy dinh dưỡng, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố.

Cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm:

Lưu ý tới các biểu hiện bệnh nặng và sơ cấp cứu tuỳ theo từng tình trạng. Chẳng hạn: Bất tỉnh, thở yếu, ngừng thở, khó thở, co giật.

- Có thể gây nôn nếu người bệnh từ 2 tuổi trở lên, còn tỉnh táo, mới ăn trong vòng 1 vài giờ và chưa nôn.

- Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế gần nhất hoặc người hỗ trợ nếu bệnh nặng, đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Các việc khác nên làm:

- Giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

- Khi thấy có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm cần thông báo cho cơ sở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương.

Theo DIỆU THU/Người đưa tin