Đau lưng là vấn đề sức khỏe ảnh hưởng ở mọi lứa tuổi và giới tính. Trong đó, dễ gặp nhất là tình trạng đau phần lưng dưới. Phần lưng dưới có 5 đốt sống, ít hơn số lượng đốt sống ở cổ và lưng giữa. Tuy nhiên, đây lại là nơi cột sống nối với xương chậu và chịu lực cho phần nửa thân trên. Do đó, lưng dưới sẽ chịu nhiều áp lực, có nguy cơ bị chấn thương và thoái hóa cao hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng dưới, bao gồm chấn thương, hoạt động quá mức, viêm khớp và các tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh thoái hóa đĩa đệm.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, tình trạng đau lưng dưới ở phụ nữ thường xảy ra nhiều hơn so với nam giới. Đau lưng dưới ở phụ nữ không chỉ do ngồi sai tư thế, vận động quá sức mà còn từ một số nguyên nhân khác.
Nhiều phụ nữ thường bị đau lưng dưới trong kỳ kinh nguyệt hoặc trong quá trình mang thai. Đây là hiện tượng phổ biến và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau bụng dưới đi kèm các triệu chứng khác lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô, chẳng hạn như niêm mạc tử cung, phát triển bên ngoài tử cung. Tình trạng này ảnh hưởng đến buồng trứng, ống dẫn trứng và các cơ quan khác.
Khi bị lạc nội mạc tử cung, phụ nữ sẽ bị những cơn đau thắt dữ dội ở vùng xương chậu, sau đó lan ra lưng dưới. Đôi khi, cơn đau này trở thành mãn tính do hình thành các khối u nang chứa đầy dịch và máu trong buồng trứng.
Tùy vào tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc giảm đau, ngừa thai bằng nội tiết và thuốc chủ vận hoóc môn giải phóng gonadotropin (GnRH).
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, một số trường hợp có thể cần phẫu thuật để loại bỏ mô nội mạc tử cung và giảm bớt các triệu chứng.
Thiếu vitamin D
Thiếu vitamin D là tình trạng cực kỳ phổ biến ở phụ nữ. Da sẽ tạo vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ lại hạn chế tiếp xúc ánh nắng. Qua thời gian, cơ thể nếu không nạp đủ vitamin từ thực phẩm, viên bổ sung thì sẽ dẫn đến thiếu loại vitamin quan trọng này. Thiếu vitamin D sẽ khiến lượng canxi thấp, từ đó ảnh hưởng đến xương và gây đau lưng dưới.
Bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là nhiễm trùng đa vi sinh vật đường sinh dục trên của phụ nữ: cổ tử cung, tử cung, vòi trứng và buồng trứng; áp xe có thể xảy ra. PID có thể do các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục gây ra.
Các triệu chứng và dấu hiệu phổ biến bao gồm đau bụng dưới, đau lưng, chảy máu bất thường, khí hư cổ tử cung và ấn đau khi dịch chuyển cổ tử cung. Các biến chứng lâu dài có thể bao gồm vô sinh, đau vùng chậu mãn tính và thai ngoài tử cung.
Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng còn được gọi là viêm xương khớp cột sống. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến các khớp cột sống mà còn cả đĩa đệm và dây chằng. Đốt sống cổ và lưng dưới là những vị trí dễ bị thoái hóa cột sống thắt lưng.
Các triệu chứng chính của bệnh là đau cứng đốt sống, khó giữ lưng ở tư thế thẳng, ngứa ran và yếu ở các chi. Ở phụ nữ, nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống thiếu cân bằng, tập luyện không phù hợp, thiếu vitamin D và vận động sai tư thế trong thời gian dài.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ cho dù ở lứa tuổi nào. Bệnh gây viêm lớp niêm mạc đường tiết niệu, dẫn đến các triệu chứng như đau ở sườn, bụng, vùng xương chậu hoặc lưng dưới.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những túi chứa đầy chất lỏng hình thành trên hoặc bên trong buồng trứng.
Các u nang buồng trứng nhỏ có thể không gây ra triệu chứng, nhưng những u nang lớn hơn có thể dẫn đến đau hoặc áp lực vùng chậu và đôi khi là đau lưng dưới ở phụ nữ. Nếu u nang vỡ hoặc bị xoắn, nó có thể gây đau dữ dội và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Điều trị u nang buồng trứng phụ thuộc vào kích thước và đặc điểm của chúng. Các u nang nhỏ thường tự khỏi, trong khi các u nang lớn hơn hoặc dai dẳng có thể cần can thiệp.
Theo Phương Anh/Gia Đình Việt Nam