Trong dịp trở lại vùng quê U Minh Thượng (Kiên Giang), PV ngồi bên quán cá phê ven đường, tình cờ ngồi chung với một số lãnh đạo ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Thuận, H.Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Và được các cán bộ này kể lại câu chuyện rất lạ, mà không biết đáng thương hay đáng trách…
Cô dâu trốn ngay ngày cưới
Nhà ông N.V.T., ngụ kênh 11, thuộc ấp Bờ Xáng (xã Vĩnh Thuận) có 2 cô con gái. Gia đình nghèo, nên quanh năm suốt tháng, 2 cô cùng cha mẹ làm lụng việc đồng áng quanh năm. Ở vùng nông thôn, thường con gái đủ tuổi dựng vợ gả chồng là có người mai mối dạm hỏi, chứ không cần phải đi đây đó quen biết, yêu nhau rồi mới lấy nhau.
|
Cô chị bỏ trốn ngay ngày cưới, để lại cô em rất khó xử - Ảnh minh họa |
Dù làm nông, nhưng được cái 2 cô con gái của ông T. trông đều xinh xắn dễ thương. Không chỉ hiền, lễ phép mà cả 2 đều giỏi việc đồng áng, bếp núc trong nhà. Cũng vì vậy, không ít chàng trai ở địa phương để ý tiếp xúc làm quen, cầu hôn. Nhưng 2 cô con gái ông T. là những đứa con luôn lễ phép, vâng lời cha mẹ, nên ít cô nào chịu quen biết chàng trai nào do sợ bồng bột gặp phải những gã đàn ông “mèo mỡ gà đồng”.
Một ngày nọ, có 1 bà hàng xóm đến nói chuyện với gia đình ông T., rằng ở xã phía bên kia là Vĩnh Phong (H.Vĩnh Thuận), có người muốn cậy mối mai để hỏi cưới cô con gái lớn cho con trai họ. Sau khi “điều nghiên” phía nhà trai, gia đình ông T. gật đầu đồng ý.
Như chỉ chờ có vậy, mấy hôm sau phía nhà trai đi qua gồm có thân nhân, cha mẹ và chú rể quần áo chỉnh tề cùng bà mai đem trầu cau sang dạm hỏi. Trong bữa sang nhà ông T., cả 2 bên, chàng rể và cô dâu tương lai mới biết mặt nhau. Cũng vì vậy mà ai cũng e dè, trong đó cô dâu lúc nào cũng ửng đỏ đôi má khi có ai nhìn hoặc mỗi lần chào mời khách dùng cơm, trà bánh.
Chàng rể cũng hồi hộp không kém. Bởi từ trước đến nay cũng được xếp vào hạng “trai hiền”, tối ngày cũng chỉ biết làm bạn với ruộng đồng. Sau lễ “giáp mặt”, chẳng lâu sau họ tiến tới đám hỏi để gia đình nhà trai cho quà cô dâu, nào là nhẫn vàng, dây chuyền, đôi bông tai và xem như cô đã là con dâu nhà mình. Con trai của họ được phép gọi bên nhà gái là cha mẹ và ngược lại con dâu cũng phải gọi theo cách xưng hô của chồng.
Sau đám hỏi, chú rể qua lại thường xuyên hơn bên nhà vợ tương lai. Vừa là để “tâm sự” với vợ, vừa tiếp giúp việc đồng áng với “nhạc gia”. Gia đình bên vợ ai cũng khen thằng rể hiền lành, tốt bụng lại làm ăn giỏi giang, mà ngay cả hàng xóm cũng tấm tắc khen ngợi và thầm mong cũng có được chàng rể quý như thế.
Rồi cũng đến ngày cưới - điều dường như ai cũng mong muốn để đôi “trai tài, gái sắc” sớm được nên nghĩa vợ chồng, rồi vài năm sinh nhiều đứa con ngoan hiền giống như cha mẹ chúng. Trước ngày cưới, nhà trai còn đem con heo cả trăm ký cùng mấy triệu đồng gọi là tiền “nộp tài” cho nhà gái để cho ngày cưới được xôm tụ, vui vẻ hơn.
Về phía chàng rể, cũng hào phóng tặng cho vợ 1 cây vàng 24k gọi là quà cưới. Trước ngày đám cưới diễn ra, 2 bên nhà trai, gái đều tổ chức gọi là đêm “nhóm họ” để mời người thân, bạn bè đến chung vui, mừng ngày con xuất giá về bên nhà chồng; nhà trai cũng tỏ vẻ vui hơn vì cưới được con dâu hiền, biết làm ăn từ chuyện trong nhà đến ngoài đồng, nên thuê nguyên dàn đàn ca tài tử nổi tiếng của H.Vĩnh Thuận về phục vụ.
Sáng sớm, theo tục lệ, nhà trai chuẩn bị sẵn lễ rước dâu gồm những mâm trầu cau, trà, bánh, trái cây, rượu mừng với gần 20 người sang nhà gái rước nàng dâu về nhà chồng. Lúc này, cả xóm mừng vui vì từ hôm nay có thêm người về làm dâu ở vùng thôn quê này. Dù không có tiếng pháo đón mừng rước dâu như thuở nào, nhưng trên đường đi rước dâu, ai cũng cười giòn như tiếng pháo làm cho một đoạn dài rước dâu hơn chục km trở nên náo nhiệt hơn trên dòng sông.
Đúng giờ đã định, nhà trai đến rước dâu, vừa tới bến nhà gái ra đón chào. Chú rể hôm nay đẹp lạ khác thường, với bộ đồ “com-lê” trông bảnh trai không kém chàng công tử Bạc Liêu năm nào. Sau khi nhà gái nhận đủ lễ, chủ hôn nhà trai cho biết còn 30 phút nữa là đến giờ “hoàng đạo” để rước dâu. Lúc này, cũng chẳng ai để ý đến cô dâu, bởi vì gia đình cho biết là đã đi làm tóc, sắp về tới.
Chỉ có người tươm tất, lo sẵn xuồng máy mấy chiếc đặt ngay phía bờ sông để cùng đưa con cháu họ về nhà chồng khỏi phải để một mình về với “người lạ” tủi thân mà khóc. Thế nhưng, điều chẳng ngờ tới đã xảy ra. Sau khi đợi 20 phút, 30 phút, rồi cả giờ sau không thấy cô dâu đâu mọi người mới gọi theo số điện thoại thì đầu dây bên kia báo là “không liên lạc được”.
Lúc này, mọi người nghĩ ngay là có chuyện chẳng lành đã xảy ra. Từ nhà ông T. đến nơi làm tóc phải đi bộ qua hơn 1km đường ruộng, thế nhưng trông nó xa vời vợi. Người vừa đi, vừa chạy, vừa dò la tin tức xem có thấy đi đâu hay là bị tai nạn… Khi đến nơi mà cô dâu cho biết đến đây làm tóc, thì ở đây cho biết là không hề có ai như vậy! Linh tính rằng có thể con mình chạy trốn cuộc hôn nhân này, nên ông T. đành quay trở lại nhà năn nỉ bên nhà trai chứ không còn biết cách nào hơn.
Đang trong lúc tiệc đang vui, nhiều người khách còn đang ngồi mâm biết chuyện cũng chỉ biết đến an ủi rồi ra về. Sau sự cố “có một không hai” ấy ở huyện vùng sâu này, nhiều người bàn ra, tán vào đủ thứ chuyện.
Người thì nói rằng: “Chắc con nhỏ nhà ông T. đã có người tình trước khi nhận trầu cau, rồi cuốn gói theo trai trước ngày rước dâu”; người khác thì bảo: “Chắc con nhà này có hiếu không muốn xa cha mẹ nên mới trốn đi đâu đó rồi vài ngày sẽ quay về”. Có người ác miệng thì cho rằng chắc cô dâu bị ai bùa mê dụ dỗ lấy tiền, vàng, rồi giết chết…
Trong lúc mọi người bên nhà gái bàn nguyên nhân chuyện nàng dâu bỏ trốn thì bên phía nhà trai cũng ấm ức, mất mặt với bà con lối xóm không biết tính cách nào để gỡ thể diện. Người thì bảo làm đơn kiện ra xã để đòi tiền, vàng mà nhà trai đã “nộp tài” trước đây; người khác thì “ác” hơn, còn đòi luôn tiền đãi tiệc “xộ” hôm tổ chức đám cưới cho con trai.
Đúng là không biết sao để mà lần. Còn chàng rể, đi rước vợ mà không được vợ, “quê một cục” nằm chèo queo trên bộ ván trong nhà, không bàn vô, tán ra câu nào. Có người hỏi về chuyện tình cảm của 2 người, rồi chuyện đi “làm rể” ra sao… càng làm cho anh ta vừa tức vừa quê thêm. Anh chàng chỉ nói một câu: “Thôi, chuyện đã đến nước này, để người lớn bàn tính chứ tôi biết làm thế nào được”.
Cuộc thương lượng…
Sau khi đem bàn ghế, chén đĩa đi trả hàng xóm, phía nhà trai không “sượng”, mà quê nhất là đem cả triệu đồng đi trả công cho mấy ông “nhà đàn” thuê đến góp vui trong ngày cưới của con. Trả tiền xong, ông nhà trai còn nói nhỏ với mấy ông thầy đàn: “Mai mốt có đi đàn ở đâu đừng nhắc chuyện này nghe, quê thấy mồ”. Vừa tức giận, vừa quê “một cục” với bà con họ hàng, mấy hôm sau bên nhà trai tổ chức cả chục người, trong đó có mời chính quyền địa phương cùng đi qua nhà gái để “dàn xếp”.
Mấy ngày qua mất ăn, mất ngủ vì đứa con ngỗ nghịch, vừa thấy “sui gia” qua, ông T. cùng gia đình líu tíu chạy tận xuống mé kênh chào đón. Thấy nét mặt căng như sợi “dây đàn” của ông bà sui gia nhà trai, họ biết sẽ có chuyện lớn. Nhưng ông T. cũng điềm tĩnh rót ly trà mời anh sui trai rồi thật thà nói: “Thú thật với anh, con dại cái mang, con tôi nó có lỗi thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Anh, chị sui thương thì tui nhờ, không thì chịu chứ biết sao. Bây giờ chuyện đã lỡ hết rồi, con tôi có lỗi thì tôi chịu”.
Nghe lời thật thà của anh sui nhà gái, anh sui nhà trai cũng không biết dùng lời nào cho êm dịu hơn, đành nhờ mấy ông chính quyền đi theo giãi bày giùm như thỏa thuận từ trước. Đại diện chính quyền nhà trai nói: “Chuyện cũng đã lỡ rồi. Chuyện cả 2 không ai muốn xảy ra, theo tôi thì ý như vầy: Trước đây, phía nhà trai cho con dâu 1 cây vàng 24 thì nay hoàn trả lại cùng với mấy triệu đồng tiền nộp tài.
Còn con heo, quần áo cho con dâu và nộp tài nhóm họ trước đây thì nhà trai không lấy lại. Số vàng này, phía nhà gái phải hoàn trả liền để nhà trai đem về tìm chỗ khác cưới cho con của họ. Tôi thấy như vậy là vẹn cả đôi đường”. Nghe nói đến đây, đất dưới chân ông T. như sụp đổ. Bởi vì nhà thì nghèo, đất chỉ có mấy công hàng năm cấy lúa để nuôi sống gia đình; tài sản gia đình thì không có, còn con gái mang hết vàng cưới, đi đâu mấy ngày nay cũng không thấy tăm hơi…
Theo Thanh Ngọc/Một Thế Giới