Đề xuất được GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đưa ra tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu công tác dân số, đặc biệt về chính sách giảm sinh, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho hay công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững.
Năm 2023, tổng tỉ suất sinh (TFR) đã giảm còn 1,96 con/phụ nữ, mức thấp nhất từ trước đến nay, thấp đáng kể dưới mức sinh thay thế, tức là dưới 2,1 con.
Có 22 tỉnh, thành phố có TFR đều thấp dưới mức thay thế, chiếm 40% dân số, trong đó Đông Nam bộ là 1,47 con và Tây Nam bộ là 1,54 con, số liệu từ Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tháng 6/2024. Trong khi quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng thì TFR ở các đô thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế, là một nguyên nhân căn bản kéo giảm tổng tỷ suất sinh cả nước xuống dưới mức sinh thay thế.
"Các tỉnh này nếu không có người dân nơi khác nhập cư vào thì dân số chỉ có giảm đi, TPHCM là một ví dụ điển hình", ông Nhân nói. Chỉ số TFR địa phương này là 1,32 con/phụ nữ năm 2023.
Theo vị chuyên gia, để có thể tái tạo được lao động cho đất nước, đảm bảo TFR từ 2,1 con/phụ nữ trở lên, phải tái tạo được gia đình và mỗi cặp vợ chồng sinh bình quân từ 2 con trở lên. "Kết hôn và sinh con là sự lựa chọn và quyền của mỗi công dân, đồng thời nó sẽ quyết định đất nước có tồn tại lâu dài hay sẽ tự tiêu vong", ông nhấn mạnh và nói vui: "Mỗi khi biết các bạn chuẩn bị lấy vợ, lấy chồng, tôi đều động viên sinh ít nhất 2 con".
Giáo sư Nhân cảnh báo nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu hơn và duy trì thấp lâu dài. Nghiên cứu quy luật của 38 quốc gia giàu cho thấy khi TFR xuống dưới 2 là không thể quay lại, ông cho biết thêm.
"Chúng tôi đã làm dự báo thô dân số Việt Nam với 3 phương án. Với phương án cơ sở, năm 2050 là 107 triệu, 50 năm sau đó là 88 triệu, năm 2500 dân số Việt Nam là 5,2 triệu người, năm 3000 là 136.000", ông nói.
Để tăng trưởng kinh tế không dẫn tới suy thoái lao động và dân số, theo Giáo sư Nhân cần thống nhất vai trò không thể thay thế được của gia đình hạnh phúc đối với việc phát triển lao động, dân số bền vững và đất nước hạnh phúc.
Ông đề xuất thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng. Thực tế, nhiều người lao động làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, không có thời gian quan hệ bạn bè, chăm sóc gia đình...
Hiện tại, Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường, không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ/tuần. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thu nhập của hai người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (gồm hai người lớn, hai trẻ con), theo Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân. Vì vậy, chính phủ, doanh nghiệp và người lao động cần thống nhất nhận thức và giải pháp để gia đình hai người đi làm có đủ thu nhập để nuôi dạy, cho học hành đàng hoàng hai con.
"Cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người", Giáo sư Nhân đề xuất. Thêm nữa, cần thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà với giá cả chấp nhận được, để việc không có nhà trở thành một điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn.
Bộ Y tế là cơ quan được giao soạn thảo Dự án Luật Dân số. Dự luật này đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12.
Theo Võ Thu/ Vietnamnet