Từ lâu các chuyên gia giấc ngủ đã khuyên mọi người đi ngủ mỗi đêm cùng một giờ và thức dậy cũng cùng một giờ vào sáng hôm sau. Điều này khiến bạn dễ chìm vào giấc ngủ, ngủ ngon hơn và tỉnh táo hơn khi thức dậy.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Neurology cung cấp thêm một lý do giật mình để bạn nên cố gắng thực hiện điều đó.
Các nhà nghiên cứu Úc khuyến cáo mọi người nên đi ngủ và thức dậy vào các giờ cố định - Ảnh minh họa từ Internet
"Các khuyến nghị về sức khỏe giấc ngủ thường tập trung vào việc ngủ đủ thời gian khuyến nghị nhưng ít chú trọng đến việc duy trì lịch trình ngủ. Phát hiện của chúng tôi cho thấy việc mọi người đi ngủ - thức dậy đều đặn là yếu tố quan trọng khi xem xét nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ" - TS Matthew Paul Pase từ Đại học Monash (Úc), cho biết.
Theo New-Medical, nghiên cứu mới này quy tụ hơn 88.000 tình nguyện viên với độ tuổi trung bình là 62. Họ được yêu cầu đeo một thiết bị trong 7 ngày để theo dõi thói quen ngủ.
Các tình nguyện viên tiếp tục được theo dõi với thời gian trung bình là 7 năm để đánh giá nguy cơ mất trí nhớ.
Kết quả cho thấy những người đi ngủ - thức dậy vào các khung giờ không ổn định có nguy cơ phát triển các bệnh thuộc nhóm mất trí nhớ cao hơn rõ rệt.
Những người có giờ đi ngủ - thức dậy "lộn xộn" nhất có nguy cơ mắc trí nhớ cao hơn đến 53% khi so sánh với những người tuân thủ giờ ngủ "tương đối". Nguy cơ giảm cực thấp ở những người hầu như luôn đi ngủ và thức dậy cùng giờ mỗi đêm và mỗi ngày.
Mặc dù chưa đưa ra được nguyên nhân cụ thể giải thích cho mối liên hệ giữa lịch trình ngủ không đều và mất trí nhớ, nhưng các kết quả rõ rệt trên đủ là lời khuyên cho thấy bạn nên cố gắng cải thiện giờ đi ngủ.
Mất trí nhớ là nhóm bệnh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hàng thứ 7 trong tốp 10 nguyên nhân gây tử vong sớm phổ biến nhất, kèm lời cảnh báo rằng tỉ lệ sẽ ngày một gia tăng.
Hiện nhóm bệnh này chưa có thuốc điều trị dứt điểm hay đảo ngược quá trình, chỉ có một số thuốc mới được phê duyệt trong năm nay có khả năng làm chậm tiến triển ở bệnh nhân Alzheimer giai đoạn đầu, nhưng tác dụng còn hạn chế.
Theo Anh Thư/Người lao động