Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng cơ bản, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể; cung cấp năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Cơ thể chúng ta cần ăn 3 bữa ăn cân bằng một ngày để được khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Các chuyên gia về dinh dưỡng đã nhấn mạnh rằng thực tế là nhịn ăn bỏ bữa không phải là một hình thức ăn kiêng hiệu quả. Thay vì giảm cân, bạn lại có nguy cơ tăng cân cao hơn vì bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn sau một thời gian nhịn đói.
|
Ảnh minh họa. |
Biến động đường trong máu
Khi ăn, cơ thể chúng ta bắt đầu chuyển các carbohydrate thành glucose để tạo năng lượng. Cơ thể cần cung cấp glucose liên tục để hoạt động bình thường. Khi đói, cơ thể bị thiếu glucose, kết quả là lượng đường trong máu giảm quá nhiều gây ra nhức đầu và thiếu năng lượng dẫn đến khó tập trung khi làm một việc gì đó. Mức đường trong máu biến đổi có thể dẫn đến bệnh tim về lâu dài.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Khi đói, dạ dày sẽ co lại và điều này làm cho việc đáp ứng chế độ ăn uống bình thường trở nên khó khăn. Việc sản xuất axit trong dạ dày cũng giảm xuống. Nếu nhịn đói thường xuyên và kéo dài, hoạt động của enzyme trong dạ dày có thể ngừng hoàn toàn.
Táo bón, mất ngủ
Sự đói bụng thường có nghĩa là cơ thể của bạn sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng bao gồm chất xơ. Thiếu chất xơ dẫn đến táo bón. Khi bạn đói, cơ thể phải hoạt động nhiều để đốt cháy chất béo thay vì glucose để cung cấp năng lượng. Khi mức insulin giảm xuống làm tăng lượng enzyme được gọi là orexin, để tạo năng lượng tạm thời. Ngoài ra, trong thời gian đói, não báo hiệu cơ thể để tiết ra adrenaline quá mức. Điều này khiến bạn khó ngủ.
Rụng tóc
Tóc cơ bản được tạo từ protein. Nhưng tóc cũng cần canxi, sắt và axit béo chưa no để duy trì sức khỏe. Khi cơ thể thiếu những dưỡng chất này sẽ làm cho da đầu khô và nang tóc nới lỏng và điều này sẽ dẫn đến rụng tóc.
Dễ bị kích thích và tức giận
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao bạn lại rất dễ bực bội hoặc tức giận vào buổi sáng? Lý do là bạn bỏ bữa sáng. Khi đói, mức serotonin trong cơ thể sẽ giảm, khiến bạn dễ tức giận hoặc khó chịu. Glucose là nguồn năng lượng chính giúp não bộ kiểm soát tâm trạng. Khi bạn bỏ bữa, cơ thể không tổng hợp đủ glucose từ thức ăn, não bộ nhận ít năng lượng hơn. Đó là lý do lúc đói bạn cũng dễ cáu gắt, khó chịu.
Giảm khả năng thụ thai
Khi cơ thể bạn không nhận đủ thức ăn gây ra rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều sẽ khiến bạn khó thụ thai. Vì vậy, hãy duy trì chế độ ăn đều đặn và cân bằng nếu bạn dự định có thai.
Cản trở quá trình trao đổi chất
Khi bạn bỏ bữa thường xuyên, hệ thống trao đổi chất của cơ thể cũng thay đổi. Khi ở trạng thái đói, sự trao đổi chất tổng thể sẽ giảm. Vì vậy, cơ thể có xu hướng tăng cường tích trữ năng lượng dưới dạng mô mỡ khi bạn ăn nhiều hơn. Điều này tác động tiêu cực đến quá trình giảm cân và ăn kiêng.
Trào ngược dạ dày
Mỗi lần bỏ bữa, dạ dày vẫn sản xuất lượng axit nhất định mặc dù không có thức ăn để tiêu hóa. Lượng axit dư thừa này sẽ khiến niêm mạc dạ dày tổn thương, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như viêm loét dạ dày, đau bụng, khó tiêu... Thói quen này là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ợ chua, trào ngược dạ dày.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn không nên bỏ bất kỳ bữa ăn nào trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và đảm bảo mỗi bữa cách nhau không quá 4 giờ. Thói quen ăn uống điều độ sẽ giúp hệ tiêu hóa cân bằng và hỗ trợ tốt cho quá trình giảm cân.
Theo Gia Bảo/An ninh thủ đô