Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trường hợp trẻ mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể theo dõi tại nhà. Trường hợp nhẹ có thể cân nhắc điều trị tại cơ sở y tế nếu có yếu tố nguy cơ.
Lúc này, việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.
|
Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ điều trị COVID-19 tại nhà. Ảnh: FB. |
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần tuân thủ theo nguyên tắc định kỳ theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng cân nặng và lượng thức ăn trẻ ăn vào.
Cụ thể, chế độ ăn của trẻ cân đối hàng ngày với 4 yếu tố chính là lipid (lipid động vật và lipid thực vật), vitamin và khoáng chất, thành phần các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate), protein (protein động vật và thực vật). Trẻ phải ít nhất có 1 bữa ăn trong ngày cân đối khẩu phần.
Hàng ngày cho trẻ ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng, xanh thẫm).
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <5% tổng năng lượng ăn vào) hoặc ăn mặn. Cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi, tránh uống nước ngọt công nghiệp.
Khuyến khích trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ >2 tuổi là 500 ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày, đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).
Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1kcal/ml với trẻ trên 1 tuổi hoặc 0,75 - 0,8kcal/ml cho trẻ dưới 1 tuổi) để thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.
Thay thế thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.
Khi trẻ là F0 được điều trị tại nhà, cha mẹ cần chú ý theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày: Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào giảm dưới 70% so với bình thường trong thời gian trên 3 ngày thì cần được tư vấn bởi nhân viên y tế.
Theo dõi cân nặng của trẻ 3-5 ngày/lần. Nếu trẻ có sụt cân từ 1-2%/1 tuần cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn thích hợp.
Ngoài ra, đảm bảo đủ nước cho trẻ: Dựa vào nhu cầu của trẻ, đảm bảo trẻ không khát, không có dấu hiệu thiếu nước như môi lưỡi khô, tiểu ít nước tiểu sẫm màu; cho trẻ ăn đủ rau tươi và trái cây.
Nếu trẻ ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi, ngạt mũi... thì cha mẹ có thể chia nhỏ bữa hoặc thay thế, bổ sung thêm 1 - 2 bữa phụ bằng các chế phẩm sữa có mức độ năng lượng cao.
Khi trẻ điều trị COVID-19 tại nhà có dấu hiệu này cần báo nhân viên y tế:
- Trẻ sốt cao liên tục > 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt (dùng hạ sốt sau khoảng 1-2 giờ nhiệt độ không giảm).
- Trẻ sốt cao quá 48 giờ.
- Mệt nhiều, ăn/uống/bú kém hơn.
- Thở nhanh: Trẻ < 2 tháng: > 60 lần/phút; 2 - 11 tháng: > 50 lần/phút; 1 - 5 tuổi: > 40 lần/phút; > 5 tuổi: > 30 lần/phút
- SpO2 < 96%
- Ho cơn dài, trẻ lớn: tức ngực, khó thở.
- Trẻ ít chơi, quấy khóc nhiều.
An An (T.H)