Vài năm gần đây, phong trào mẹ đơn thân bỗng rộ lên khắp nơi. Người phụ nữ chấp nhận nuôi con một mình là biểu tượng của sự mạnh mẽ, không phụ thuộc đàn ông của các chị em. Thế nhưng đấy chỉ là cái nhìn của người ngoài cuộc mà thôi.
Chưa nói đến việc nuôi con một mình rất vất vả, đứa trẻ trong gia đình đơn thân lớn lên đa số đều thiếu hụt về tình cảm. Nếu người mẹ có thể vừa tìm được hạnh phúc mới cho bản thân, vừa xây dựng được một gia đình đầy đủ cho con, đó là điều không gì tuyệt vời hơn. Thế nhưng, những lợi ích, va chạm giữa bố dượng và con riêng không phải nói hòa hợp là có thể hòa hợp được.
Mới đây, một người phụ nữ tên K. tái hôn sau 8 năm chỉ dành tình yêu cho con trai đã chia sẻ tâm trạng buồn của mình lên mạng xã hội. Mặc dù câu chuyện của cô được nhiều người đồng cảm nhưng cách phản ứng của những người từng trải lại khiến người ta phải ngạc nhiên.
"Các chị ơi, tư vấn giúp em với. Em đã ly hôn với người chồng đầu tiên lúc con trai mới được 14 tháng. Từ đó về sau, em đi đâu cũng dẫn theo con trai. Mẹ con em chưa bao giờ phải xa nhau quá 3 ngày.
Em đợi đến khi con được 7 tuổi, sau rất nhiều lần băn khoăn, lựa chọn, cân nhắc và đã từ chối nhiều người đàn ông thì kết hôn lần hai. Lần này em sinh được một bé gái. Chồng mới của em rất thương vợ con và đối xử bình thường với con riêng của em. Anh cũng hay mua đồ chơi cho con. Bản thân em chưa thấy anh có dấu hiệu ghét bỏ gì đối với con riêng của vợ.
Nhưng rồi, dịp này bố mẹ chồng lập kế hoạch để cả nhà đi du lịch. Ông bà, vợ chồng em và vợ chồng hai chị lớn cùng đi. Tổng cộng 4 gia đình là 14 người.
Khi biết sắp được đi chơi, con trai em rất háo hức. Con vui vẻ hỏi han kế hoạch, chờ mong được bay máy bay lần đầu tiên. Thậm chí, con rất ngoan nên bảo mẹ là: 'Mẹ mua quần áo mới cho em thôi, con không cần đâu'.
|
Chia sẻ của K. và lời khuyên của nhiều người. |
Thế mà khi em nói chuyện, chồng lại lạnh lùng bảo: 'Cho nó về ngoại đi. Anh nghĩ con đi chơi cùng không hợp đâu'. Nghe đến đấy em bần thần cả người, nước mắt cứ thế rơi. Em đâu cần đi du lịch ở nơi này nơi khác. Em chỉ cần gia đình yêu thương nhau, em được chăm sóc hai đứa con, đi đâu cũng có nhau. Em đã tự hứa với lòng mình, dù sinh bao nhiêu con cũng không bỏ bê đứa con đầu tiên.
Thấy em khóc, anh ấy lại cáu bỏ ra ngoài. Tối em nghe chồng gọi điện riêng trong phòng với bố mẹ. Anh ấy bực bội gắt ông bà. Hóa ra bố mẹ chồng không muốn con trai em đi cùng mọi người ạ. Em giận quá nói qua nói lại, trách nhà chồng ích kỷ. Anh ấy trách em không hiểu chồng, khóc lóc làm to chuyện để con trai thêm tủi thân. Con trai em thấy bố mẹ cãi nhau thì khóc bảo em là con về bà ngoại cũng được, con không cần đi chơi đâu.
Một tuần rồi em không nói chuyện với chồng, em chỉ muốn ly hôn thôi. Gia đình chồng thế này mẹ con em sống sao nổi".
Câu chuyện ngay khi đăng tải đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều của cư dân mạng. Một bên thì ủng hộ chị K. ly hôn, bên còn lại nghĩ rằng chị nên cân nhắc cẩn thận.
- Ly hôn ngay và luôn! Con còn nhỏ xíu thế này mà nhà chồng đã kỳ thị, đến lúc nó lớn, còn liên quan đến tiền nong, lợi ích nữa thì còn như thế nào? Kể cả anh chồng bây giờ còn đối xử tốt, nhưng ảnh hưởng của bố mẹ chồng rồi cũng dần dần ghét bỏ thôi. Cuối cùng, mâu thuẫn lắm cũng cãi nhau nhiều, chi bằng bây giờ đường ai nấy đi, đỡ ảnh hưởng đến tâm lý của con.
- Nếu lúc đầu đã không hài lòng sao còn cho cưới làm gì ? Bố mẹ chồng này rõ là quá đáng! Một đứa trẻ thôi thì đi lại ăn uống hết bao nhiêu mà cũng tính toán!
|
Ảnh minh họa. |
- Chị sợ con lớn thiệt thòi mà đòi ly hôn, vậy còn đứa con gái nhỏ thì sao? Nó cũng là vô tôi mà! Không lẽ chị để nó lặp lại bi kịch của anh trai nó thêm lần nữa?
- Có thể chồng bạn cũng có nỗi khổ riêng. Bản thân bạn cũng quá mức nhạy cảm rồi. Là phụ nữ nhưng bạn đã thử nói chuyện cẩn thận với chồng chưa? Cũng có thể anh ấy sợ bố mẹ mình ghét con riêng nhưng tạm thời chưa thuyết phục được, bây giờ dắt nó theo mà gia đình bên nội xa lánh thì sẽ làm đứa trẻ tổn thương. Đấy là chưa kể, những việc nhạy cảm thế này hai người nên tránh đứa trẻ ra mà nói chứ sao lại để nó nghe được vậy? Anh ấy là đàn ông thì không tinh tế còn chấp nhận được, bản thân bạn cũng không nghĩ ra sao?
Có lẽ, đây là tình huống mà rất nhiều phụ nữ gặp phải sau khi tái hôn. Việc đầu tiên không phải là làm ầm lên phân bua phải trái mà phải mềm mỏng khéo léo để hạn chế tối đa tổn thương cho đôi bên.
Theo Dung (SHTT)