Nghiên cứu mới về hiệu quả của vắc xin COVID-19 trước một số chủng virus corona do trường Đại học Northwestern ở Mỹ thực hiện và được công bố trên Tạp chí Journal Of Clinical Investigation gần đây.
Cụ thể, nghiên cứu phát hiện huyết tương của những người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tạo ra các kháng thể phản ứng chéo, chống lại được cả SARS-CoV-1 và virus corona gây cảm lạnh thông thường (HCoV-OC43), đồng nghĩa với việc vắc xin COVID-19 sẽ phát huy hiệu quả trước một số chủng corona khác.
Đại dịch SARS-CoV-1 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2002, khiến tổng cộng 774 người thiệt mạng.
Nghiên cứu phát hiện, người nhiễm bệnh trước đó có khả năng chống lại chủng virus corona tiếp theo. Chẳng hạn như, một người nào đó có khả năng miễn dịch chống lại SARS-CoV-1 có thể được bảo vệ khỏi SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Phát hiện trên được đưa ra sau các thử nghiệm trên loài chuột. Những con chuột được tiêm vắc xin SARS-CoV-1 phát triển vào năm 2004 tạo ra phản ứng miễn dịch, bảo vệ chúng khỏi phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.
|
Nghiên cứu mới cho thấy, vắc xin COVID-19 có thể chống lại nhiều chủng virus corona. Ảnh: JP/Flash90. |
Nhà nghiên cứu Pablo Penaloza-McMasster cho biết: “Miễn là chủng virus corona có cấu trúc di truyền giống nhau hơn 70%, những con chuột đều có khả năng chống lại sự lây nhiễm.
Nếu chúng tiếp xúc với một chủng virus corona hoàn toàn khác, vắc xin mang lại khả năng bảo vệ ít hơn. Điều này lý giải vì sao con chuột đã được tiêm vắc xin ít khả năng bảo vệ hơn trước chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường”.
Các nhà nghiên cứu giải thích thêm SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2 giống nhau về mặt di truyền, trong khi coronavirus gây cảm lạnh thông thường có cấu trúc trái ngược với SARS-CoV-2.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu hoài nghi về việc có thể phát triển một loại vắc xin chống lại tất cả các chủng virus corona.
“Nghiên cứu của chúng tôi giúp chúng ta đánh giá lại khái niệm về vắc xin ‘một cho tất cả’. Có thể là không tồn tại loại vắc xin chống lại được tất cả chủng virus corona, nhưng chúng ta có thể tạo ra một loại vắc xin chung đối với từng nhóm chủng corona có cấu trúc di truyền tương đồng”, chuyên gia Penaloza-MacMaster nói.
Mời độc giả xem thêm video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan COVID-19 (Nguồn video: THĐT)
An An