Tuổi tác hay việc có người thân ruột thịt từng bị đột quỵ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn. Tuy nhiên có nhiều yếu tố rủi ro khác có thể dẫn đến đột quỵ mà bạn có thể kiểm soát. Dưới đây là 7 cách bạn có thể làm để bắt đầu hạn chế rủi ro trước khi đột quỵ có cơ hội tấn công.
1. Hạ huyết áp
Huyết áp cao là một yếu tố rất lớn, tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp bốn lần nguy cơ đột quỵ nếu không được kiểm soát. Hãy thăm khám bác sỹ và điều trị nếu bạn có huyết áp cao.
Mục tiêu lý tưởng là duy trì huyết áp dưới 135/85. Nhưng đối với một số người kém tích cực hơn, mục tiêu có thể là 140/90 sẽ phù hợp hơn.
Cách nào để đạt được:
Giảm muối trong chế độ ăn uống không quá 1500 mg mỗi ngày (khoảng một nửa thìa cà phê).
Tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, pho mát và kem.
Ăn từ 4 đến 5 tách rau và trái cây mỗi ngày, ăn cá 2-3 lần một tuần, và tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít chất béo.
Tập thể dục nhiều hơn - ít nhất 30 phút hoạt động mỗi ngày và hơn nữa, nếu có thể.
Bỏ hút thuốc, nếu bạn hút thuốc.
Nếu cần, hãy dùng thuốc trị huyết áp.
2. Giảm cân
Béo phì, cũng như các biến chứng liên quan đến nó (bao gồm huyết áp cao và tiểu đường), làm tăng khả năng bị đột quỵ. Nếu bạn thừa cân, giảm 4-5kg sẽ có tác động giảm nguy cơ đột quỵ.
Mục tiêu: Duy trì chỉ số khối cơ thể lý tưởng (BMI) là 25 hoặc ít hơn. Nếu điều đó không khả thi với bạn, hãy làm việc với bác sĩ dinh dưỡng để tạo ra một chiến lược giảm cân cá nhân.
Cách nào để đạt được:
Cố gắng ăn không quá 1.500 đến 2.000 calo mỗi ngày (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI hiện tại của bạn).
Tăng số lượng bài tập với các hoạt động như đi bộ, chơi gôn hoặc chơi tennis, duy trì hoạt động đều đặn mỗi ngày.
3. Tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục góp phần làm giảm cân và giảm huyết áp, nhưng tự nó cũng là một cách giảm đột quỵ.
Mục tiêu: Tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất năm ngày một tuần.
Cách nào để đạt được:
Đi dạo quanh khu phố mỗi ngày sau bữa sáng.
Tham gia câu lạc bộ thể dục với bạn bè.
Đi cầu thang thay vì thang máy khi có thể.
Nếu bạn không có 30 phút liên tiếp để tập thể dục, hãy chia nó thành các buổi từ 10 đến 15 phút, thực hiện vài lần mỗi ngày.
4. Uống chừng mực
Uống một ít rượu có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn uống khoảng một ly mỗi ngày, nguy cơ của bạn có thể thấp hơn. Nhưng một khi bạn bắt đầu uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày, nguy cơ của bạn tăng lên rất mạnh.
Mục tiêu: Không uống rượu hoặc uống vừa phải.
Cách nào để đạt được:
Không uống nhiều hơn một ly mỗi ngày.
Chọn rượu vang đỏ vì nó chứa resveratrol, được cho là có tác dụng bảo vệ tim và não.
5. Điều trị rung tâm nhĩ
Rung tâm nhĩ là một dạng nhịp tim bất thường gây cục máu đông hình thành trong tim. Những cục máu đông sau đó có thể di chuyển đến não, tạo ra đột quỵ. Các chuyên gia khẳng định rung tâm nhĩ làm tăng gần gấp 5 lần nguy cơ đột quỵ.
Mục tiêu: Điều trị rung tâm nhĩ, nếu có.
Cách nào để đạt được:
Nếu bạn có các triệu chứng như tim đập nhanh hoặc khó thở, hãy đi khám bác sĩ.
Bác sỹ có thể kê cho bạn dùng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) như warfarin (Coumadin) hoặc một trong những thuốc kháng đông tác dụng trực tiếp mới hơn để giảm nguy cơ đột quỵ do rung tâm nhĩ.
6. Điều trị bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các mạch máu theo thời gian, làm cho cục máu đông dễ hình thành bên trong các mạch máu.
Mục tiêu: Kiểm soát lượng đường trong máu.
Cách nào để đạt được:
Theo dõi lượng đường trong máu theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Sử dụng chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc để giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi được đề nghị.
7. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc làm tăng sự hình thành cục máu đông. Nó làm cho máu đặc lại và làm tăng số lượng mảng bám tích tụ trong các động mạch. Cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn, cai thuốc lá là một trong những thay đổi lối sống mạnh mẽ nhất giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ.
Mục tiêu: Bỏ thuốc lá.
Cách nào để đạt được:
Hãy hỏi tư vấn của bác sỹ về cách thích hợp nhất để bạn bỏ thuốc lá.
Sử dụng các thuốc hỗ trợ bỏ thuốc lá, chẳng hạn như thuốc viên nicotin hoặc miếng dán, hay bất cứ hình thức nào được bác sỹ tư vấn.
Đừng bỏ cuộc. Hầu hết những người hút thuốc cần nỗ lực để bỏ thuốc lá. Hãy vạch ra cho mình lộ trình từng bước để đánh bại thói quen thành công.
An Lê/ Theo HH