- Cô xem dọn chỗ này đi.
- Sao để thằng bé khóc ghê thế. Ở nhà mỗi dỗ con cũng không xong.
- Mặt cô sao lúc nào cũng sưng sỉa lên thế?
Từ ngày bước chân về làm dâu, tôi mong lắm được mẹ chồng gọi một tiếng "con", thèm được bà đối xử tốt một tý. Hồi yêu anh, bà đã chẳng ưa tôi vì xem không hợp tuổi, gò má cao... Dùng đủ mọi cách để thuyết phục bà nhưng đều không ăn thua nên tôi đành liều có bầu. Đến khi biết chuyện, mẹ chồng mới chịu đồng ý đám cưới, nhưng ác cảm vẫn còn đó.
|
Đưa con về nhà ngoại chơi, đến lúc lên mẹ chồng nói một câu khiến lòng tôi đau như cắt (Ảnh minh họa).
|
Hai vợ chồng tôi đều làm công ăn lương, lại dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Khi mua nhà, vợ chồng cũng chỉ có ít tiền, phần lớn là bố mẹ chồng bán đất ở quê cho. Nhưng mẹ chồng cho cũng chẳng vui vẻ gì, lần nào về quê bà cũng nhắc khéo tôi chỉ là người ở nhờ. Tất nhiên, bà chọn những lúc chồng tôi không có mặt ở đó để nhiếc móc.
Ám ảnh kinh hoàng nhất của tôi là đợt mẹ chồng đưa người quen đi khám bệnh, tiện ở lại nhà tôi gần 1 tuần. Thời kỳ đó, tôi vẫn còn ốm nghén nên ăn uống lúc nào cũng buồn nôn. Thế nhưng mẹ chồng chẳng động viên lấy một lời mà đập đũa kêu: "Nhìn cô mà tôi ăn uống mất cả ngon". Chồng tôi thấy vậy cũng mấy lần khéo góp ý nhưng bà dường như cố tình không hiểu chuyện còn quát lại: "Con đừng để vợ trèo lên đầu lên cổ. Mẹ chỉ có một, còn vợ thì có thể thay được".
Cũng may, khoảng thời gian sống chung với mẹ chồng không lâu. Khi mang bầu, bố mẹ đẻ gửi lên bao nhiêu đồ ăn cho con gái tẩm bổ. Còn riêng mẹ chồng chẳng hỏi thăm lấy một lần. Đến khi sinh nở, mẹ chồng cũng chỉ có mặt, còn phần lớn tôi được mẹ đẻ chăm sóc. Sau mẹ tôi bận việc nên chăm cháu được 2 tuần rồi về. Lúc đó, mẹ chồng tôi từ quê lên "thay ca". Mang tiếng lên chăm con dâu nhưng thực chất tôi phải chăm cả bà, cả cháu, mệt mỏi vô cùng. Chồng thì đi làm, tối mới về, khi tôi than thở một chút thì anh gạt đi: "Mẹ lên chăm con giúp vợ chồng mình là tốt lắm rồi. Em cũng để ý vừa thôi không lại khiến mẹ tự ái".
Cứ cắn răng chịu đựng, nín nhịn, tôi rơi vào tình trạng trầm cảm. Mẹ chồng thì cứ dùng giọng "cô, tôi" rất khó nghe. Căng thẳng cứ thế tăng dần. Tôi chờ mãi mới có cơ hội xin đưa con về nhà bố mẹ đẻ ở quê chơi 1 tháng. Về nhà mình, tâm trạng của tôi khá hơn. Ai về cũng kêu tôi xanh xao sau khi sinh. Nhất là bố mẹ xót con, nên lúc nào cũng động viên ăn nhiều. Sống trong tình yêu thương của bố mẹ mình, mọi uất ức trong lòng tôi tan biến hết. Chẳng còn những lời khó nghe trong đầu, tâm trạng thư thái và tôi bắt đầu tăng cân.
Một tháng sống với mẹ chồng sao dài thế, nhưng đến khi về nhà đẻ thời gian lại trôi nhanh chóng mặt. Lúc đi, mẹ tôi cho rất nhiều đồ và dặn ăn uống đầy đủ để có sức chăm con. Chẳng hiểu sao lúc chia tay để lên thành phố, nước mắt tôi lại rơi.
Khi vừa bước vào căn hộ chung cư, tôi đã thấy mẹ chồng ngồi đợi sẵn. Chắc biết tôi về nên bà từ quê lên giúp trông cháu. Tôi chào hỏi, gửi con cho bà giữ rồi tự mình đi khuôn đồ từ xe taxi lên. Lúc nhìn thấy nào rau, cá, thịt... tôi đem từ quê lên, mẹ chồng đã không vui. Bà nói:
- Tôi cũng đem cho anh chị rất nhiều đồ ăn, để chật cứng tủ lạnh rồi. Những thứ này vứt hoặc cho ai thì cho, không để ngoài mấy bữa là thối hết.
À mà, béo như tôi còn thấy ngấy huống chi thằng Nam (chồng tôi). Không lo giảm cân, lúc đó nó tòm tem bên ngoài thì đừng trách ai.
|
Vừa ở quê lên, mẹ chồng tôi đã nói những lời khó nghe (Ảnh minh họa).
|
Câu nói quá đáng của mẹ chồng giống như giọt nước tràn ly. Không nuốt trôi được cục tức này, tôi đã bật lại: "Sao con làm cái gì mẹ cũng không vừa lòng. Con phải làm thế nào thì mẹ mới thôi nhiếc móc. Mẹ tưởng con sung sướng khi sống chung nhà với một người khó tính như mẹ à? Thật quá mệt mỏi. Đồ bố mẹ cho, con ăn hay là bỏ thì xin mẹ cũng đừng can thiệp vào. Con béo cũng mặc kệ con".
Nói một hồi, tôi ôm con bỏ lại đống đồ rồi đóng sầm cửa phòng ngồi khóc. Thời gian qua, tôi có cố gắng nhẫn nhịn nhưng mẹ chồng vẫn giữ cái tính ấy. Biết nói những lời kia sau này sẽ khó sống với mẹ chồng, nhưng tôi đã sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống khác đi. Chứ không thể cứ mãi cúi đầu để mẹ chồng xúc phạm như vậy được.
Theo A.N/Người Lao động