Đưa tiền cho mẹ chồng giữ hộ, sao chị em cứ phản đối ầm ầm?

Google News

Câu chuyện tiền nong giữa mẹ chồng nàng dâu vẫn luôn là chủ đề muôn thuở, không có hồi kết.

Có vẻ như tư tưởng chung của các mẹ bỉm sữa và các nàng dâu tương lai đều là đưa thì mất, cất thì còn. Tiền mình mình cầm cho chắc, gửi mẹ chồng khi muốn lấy lại cũng khó khăn. Cho nên hiếm chị em nào vui vẻ gửi tiền vàng cho mẹ chồng. Đó là chị em cứ nghĩ tiêu cực như vậy chứ trong thực tế, không phải ai cũng giống ai.
Tôi đã kết hôn được 6 năm. Vì chồng tôi là con một nên hai vợ chồng quyết định về sống chung với bố mẹ chồng ở quê. Ông bà trước đây chỉ buôn bán nhỏ ngoài chợ đủ tiền chi tiêu và nuôi con. Bây giờ tuổi cao sức yếu không ra chợ được nữa đành về sống dựa vào con trai. Vì thế cuộc sống của nhà chồng tôi không mấy khá giả.
Thu nhập hai vợ chồng tôi ở quê cũng chỉ thuộc loại khá. Chồng làm việc ở sở xây dựng, cả lương và thu nhập ngoài khoảng 15 triệu/tháng. Còn tôi là giáo viên dạy mầm non, lương chỉ 3-4 triệu. Tổng hai vợ chồng là 20 triệu/tháng, ở quê như vậy là vừa đủ sống.
Ảnh minh họa. 
Nhưng vì bố mẹ chồng không có thu nhập nên mọi khoản chi tiêu trong gia đình vợ chồng tôi phải lo tất. Đấy là chưa kể tiền khám bệnh, tiền thuốc, ma chay, cưới hỏi…
Thân làm con dâu, lại lấy phải nhà chồng không khá giả, nhưng tôi chưa từng nghĩ mình phải thật sòng phẳng chuyện tiền nong. Ngay từ khi cưới, tiền mừng cưới lãi được 20 triệu, tôi tự gửi ngân hàng, còn của hồi môn chỉ có 5 chỉ vàng thì tôi nhờ mẹ chồng giữ hộ. Ban đầu bà nhất quyết không, nói là tiền của các con, các con tự giữ lấy để sau này làm ăn. Có con cái rồi sau này chúng nó ốm đau, nhiều khoản phải chi tiêu lắm. Với cả bà sống từng này tuổi rồi, chưa thấy nhà nào mẹ chồng giữ tiền cho con dâu mà được yên cả. Thôi thôi, con tự giữ đi.
Nhưng ngày ấy, tôi hay chi tiêu hoang phí, thấy cái gì đẹp, cái gì hay thì đều mua không kiểm soát được. Chồng tôi vì công việc cũng thường xuyên nhậu nhẹt bên ngoài nên cho cầm tiền chẳng yên tâm.
Vì vậy, tôi thuyết phục mẹ chồng thêm lần nữa. Nói rằng, mẹ giữ hộ chúng con, khi nào con cần thì con xin lại, còn không mẹ cứ giữ giúp. Mẹ giữ là giữ cho anh con trai một của mẹ chứ có giữ cho ai đâu, nên mẹ không phải ngại chuyện lời ra tiếng vào của thiên hạ. Ngoài vàng, mỗi tháng tiết kiệm được 5-6 triệu con cũng muốn nhờ mẹ giữ cho yên tâm. Đi làm có tiền gửi mẹ chồng giữ hộ có sao đâu. Bởi vậy cho đến nay, bà đã giữ hộ tiền cho vợ chồng tôi được 6 năm rồi.
Nhiều chị em ở cơ quan biết chuyện thì khuyên tôi không nên dây dưa tiền nong với nhà chồng vì mẹ chồng không phải mẹ đẻ, đưa vào thì dễ lấy ra mới khó. Tôi cười, đâu có chuyện như thế nhỉ. Tôi gửi mẹ thì lúc tôi cần, tôi xin lại có gì mà khó khăn. Chính tư tưởng ấy mới khiến mẹ chồng xa cách con dâu hơn.
Với cả mấu chốt vấn đề ở đây là tôi tin tưởng mẹ chồng mình tuyệt đối. Bà tuy nghèo nhưng rất tự trọng, kể cả thiếu thốn đến đâu cũng không bao giờ hỏi xin, vay con cái đồng nào. Toàn tôi phải để ý rồi mua sắm hoặc biếu tiền giục bà tiêu.
Ngoài ra, cũng có lần bên nhà tôi có việc quan trọng, tôi hỏi mẹ xin lại tiền tiết kiệm của vợ chồng. Bà đồng ý ngay. Ngoài đưa tiền, bà còn cẩn thận đưa cho tôi cả bảng ghi chép chi tiết tôi đã đưa bà bao nhiêu tiền, ngày nào, lãi lời ra sao…Thấy mẹ chu đáo như vậy nên tôi cảm thấy rất yên tâm.
Đã 6 năm trôi qua nhưng tôi và mẹ chồng vẫn thoải mái với nhau về chuyện tiền bạc và chung sống hòa thuận. Tiền tôi không giữ được thì tôi gửi mẹ, khi cần thì tôi xin lại. Tôi không có gì mà phải lăn tăn, phàn nàn hay lo lắng. Có lẽ, lo lắng chính là do chúng ta tự tạo ra thôi.
Đấy là suy nghĩ của riêng tôi. Tôi cũng không thể trách những chị em suy nghĩ tiêu cực vì gặp phải người mẹ chồng chỉ khư khư muốn giữ tiền của con, cho vào thì dễ lấy ra thì bà gây khó khăn. Nhưng cũng phải tùy cơ ứng biến thôi các chị em ạ. Trong trường hợp đó, để vui lòng đôi bên thì chị em đừng cho bà biết thu nhập thật của mình. Bà muốn giữ tiền thì mỗi tháng đưa 2-3 triệu để bà cầm cho vui. Phần còn lại mình giấu đi, để phòng thân.
Các chị em cũng đừng nghĩ cứ mẹ chồng giữ tiền là coi như mất, không thể lấy lại được và lúc nào cũng chỉ sợ mẹ lấy mất tiền của mình. Phận làm dâu, căn bản là tư tưởng phải vui vẻ, thoải mái, đừng đối đãi với mẹ chồng kiểu khách sáo như người xa lạ. Đó mới là điều nên làm.
Theo Cô Tấm/VTC News