Dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc: Tiền mất tật mang!

Google News

Dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc, nhiều người bị ngộ độc nặng, thậm chí suýt mất mạng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa gần đây điều trị cho một nữ bệnh nhân bị hội chứng Lyell rất nặng do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa đau khớp.
Suýt mất mạng vì dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc
Thông tin trên Vietnamnet cho biết, bệnh nhân N.T.H. (49 tuổi), ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, nhập viện vào ngày 22/1 (mùng 1 Tết Quý Mão) trong tình trạng mệt mỏi, tiếp xúc kém, sốt cao liên tục, loét, chảy máu vùng miệng, loét bộ phận sinh dục, đỏ da toàn thân, trớt da đến 80% diện tích cơ thể.
Bệnh nhân chia sẻ bản thân bị đau khớp và đã tự dùng thuốc nam truyền miệng (không rõ nguồn gốc) để điều trị chứng đau khớp.
Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng, các bác sĩ khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đã điều trị tích cực bằng thuốc điều hòa miễn dịch, truyền dịch, cân bằng điện giải, kháng sinh…Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân N.T.H. dần trở về giới hạn bình thường, các mảng tổn thương đã lên da non, đường máu ở mức ổn định.
Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp phải nhập viện sau khi tự ý sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ngày 7/2, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay đơn vị này đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 63 tuổi ở Thanh Trì (Hà Nội) trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng do ngộ độc thuốc nam dạng viên chữa bệnh đái tháo đường.
Dung thuoc nam khong ro nguon goc: Tien mat tat mang!
 Mẫu thuốc chữa đái tháo đường mà bệnh nhân 63 tuổi đã sử dụng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, sau khi nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt, đã mua về nhà sử dụng. Đó là loại thuốc nam dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng.
Sau khi sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai, sau đó nhập viện vào Trung tâm Chống độc.
Xét nghiệm viên thuốc y học cổ truyền bệnh nhân nói trên uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.
Vào khoảng giữa tháng 12/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi, ở Hà Nội, trong tình trạng thận hư, phù cơ thể tăng đến 8kg. Một bệnh nhi 16 tuổi rơi vào tình trạng suy thận nặng do gia đình tự ý sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Tháng 9/2022, tại Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ghi nhận nhiều trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối sau thời gian tự điều trị thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trong đó có trường hợp nam bệnh nhân 38 tuổi, sau thời gian tự điều trị bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn nôn, ăn kém, mệt mỏi nhiều. Qua quá trình thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán: Suy thận mạn giai đoạn cuối có chỉ định lọc máu chu kỳ - xơ gan/viêm gan B.
Tháng 4/2022, thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, ông T.N.S, 62 tuổi ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, trước đó đi khám bệnh được chẩn đoán xơ gan, viêm dạ dày. Tuy nhiên, người bệnh không uống thuốc theo đơn của bác sĩ mà nghe theo trên mạng internet mua thuốc nam không rõ nguồn gốc về uống.
Theo giới thiệu, thuốc này chữa "bách bệnh", ông S đã mua về dùng trong nhiều ngày. Sau khi uống, người bệnh thấy mệt nhiều, vàng da, ăn uống kém, đầy tức bụng. Ông S. được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BVĐK tỉnh Phú Thọ trong tình trạng suy đa tạng (suy gan, suy tim, suy thận...).
Qua thăm khám, kết quả cận lâm sàng và chia sẻ của người nhà, các bác sĩ xác định nguyên nhân gây suy đa tạng là do người bệnh sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc dài ngày.
Đừng để "tiền mất tật mang"
Theo BSCKI. Bùi Xuân Khánh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trên mạng xã hội, thuốc nam không rõ nguồn gốc được bán tràn lan và quảng cáo trị "bách bệnh".
Với quan niệm thuốc nam lành tính nên người dân sử dụng rất nhiều. Để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc như trên, người dân khi có bệnh nên khám tại các cơ sở y tế uy tín và uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian, truyền tai, thuốc trôi nổi trên thị trường để tránh "tiền mất, tật mang".
Dung thuoc nam khong ro nguon goc: Tien mat tat mang!-Hinh-2
 Ảnh minh họa. 
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo người dân khi bị bệnh cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn.
Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc - không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế.
Đồng thời, khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan để có thể chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)