F0 cách ly tại nhà có nguy hiểm với hàng xóm?
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Ngành y tế đã có các bệnh nhân F0, F1 đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.
Ngày 20/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết thành phố có 40.451 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.
Theo đó, trong số 40.451 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, có 19.243 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 21.208 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Thời gian này, một số người dân thắc mắc liệu F0 cách ly tại nhà có thể lây nhiễm cho hàng xóm không? Hàng xóm của F0 nên làm những gì?
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), khi đội ngũ y tế, bác sĩ cho người F0 trở về sớm, sẽ lưu ý không cho lây trong gia đình và đặc biệt là không cho lây ra cộng đồng.
Thông thường, virus SARS-CoV-2 lây bệnh cho người, đến ngày thứ 8 hoặc ngày thứ 10, lượng virus sẽ giảm rất thấp và chuẩn bị hết bệnh. Người nào bị nặng quá thời gian thì do bội nhiễm, nhiễm thêm vi khuẩn khác.
“Chính vì vậy ở nước ngoài họ tính toán, đến 10 ngày xét nghiệm âm tính sẽ cho bệnh nhân về hoặc ngày thứ 7 xét nghiệm RT-PCR, khi kết quả xét nghiệm cho âm tính hoặc ở mức dương tính nhưng không đủ nồng độ lây được”, bác sĩ Khanh cho biết.
Theo bác sĩ Khanh, hiện nay trên thế giới, người ta đã chứng minh, xét nghiệm RT-PCR là phương pháp đo được nồng độ của virus trong vòm họng, nếu nồng độ thấp sẽ không lây được. Giá trị CT giúp phản ánh tương quan giữa tải lượng virus SARS-CoV-2 và mức độ của bệnh Covid-19.
CT là viết tắt của ngưỡng chu kỳ (cycle threshold): “CT càng nhỏ thì virus càng nhiều thông thường CT trên 30 là rất khó lây. CT trên 33 gần như không lây. Khi người mắc bệnh, khuynh hướng bệnh đã giảm, virus giảm thì sẽ tiếp tục giảm chứ không tăng, giảm thất thường. Chỉ có trường hợp bị bội nhiễm thêm”, bác sĩ Khanh cho biết.
“Ví dụ: Trường hợp, bệnh nhân xét nghiệm kết quả CT là 30 thì ngày hôm sau và hôm sau nữa lượng virus sẽ tiếp tục giảm và CT sẽ tăng lên 31, 32… Chính vì vậy, những bệnh nhân này sẽ được về nhà điều trị. Những người này khả năng lây bệnh rất thấp, nếu đeo khẩu trang nữa thì không thể lây được”, bác sĩ Khanh lý giải.
Là hàng xóm của F0 cần làm gì?
Đối với F0 tại nhà, không quá nguy hiểm với cộng đồng: “Chỉ khi người này ra khỏi nhà, không mang khẩu trang, tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng và người tiếp xúc kia cũng không đeo khẩu trang thì mới bị lây nhiễm. Chính vì vậy, việc ở nhà đóng cửa không ra ngoài vài ngày rất đơn giản, mọi người cần thực hiện”, bác sĩ Khanh nói.
Trường hợp nhiều người lo sợ virus từ nhà F0 văng ra đường rồi vào nhà hàng xóm, virus văng từ nhà bên này sang nhà bên kia qua cửa sổ rồi lây nhiễm, bác sĩ Khanh khẳng định sẽ không thể xảy ra.
“F0 tại nhà không cần đóng kín cửa mà nên mở cửa ra cho ánh nắng vào làm giảm nồng độ virus, điều này sẽ giúp hạn chế lây nhiễm chứ không phải đóng kín cửa.
Với hàng xóm, không nên lo sợ F0 tại nhà lây nhiễm cho mình mà có thể nhà khác hoặc người khác sẽ lây nhiễm cho mình. Lúc nào cũng phải thực hiện 5K vì không biết ai sẽ là người lây cho mình. Chỉ cần cố gắng để ý nhà bên cạnh có F0 có ra ngoài không, tránh tình trạng họ ra đường mình tiếp xúc phải”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Trường hợp là hàng xóm của F0, đã tiếp xúc với người này trước khi họ phát hiện ra bệnh, thì có thể thực hiện test nhanh tại nhà.
Trường hợp đi ra ngoài về cảm thấy nghi ngờ đã tiếp xúc với F0 thì cũng có thể thực hiện test nhanh tại nhà.
Về vấn đề vệ sinh trong gia đình, nếu sống ở môi trường thông thường, tất cả thành viên trong nhà không có nguy cơ thì chỉ cần vệ sinh bình thường như hàng ngày.
Mở cửa nhà thông thoáng cho ánh nắng vào đặc biệt khi mới đi ra ngoài về. Không nên quá lạm dụng những dung dịch sát khuẩn vì lạm dụng quá nhiều sẽ không tốt cho sức khoẻ.
Theo Long Quyền/ Saostar