Giải mã loài rêu chữa bệnh

Google News

Với những đặc tính phi thường, loài rêu này đã tự biến nó trở thành một “kỹ sư sinh thái” cũng như cứu mạng con người.

Đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) chỉ vừa mới bắt đầu và nhiều binh sĩ bị thương đang bị hoại tử trên chiến trường. Những tháng cuối cùng của năm 1914, các bác sĩ như Sir. W. Watson Cheyne của trường Phẫu thuật Hoàng gia Anh (RCSE) đã ghi nhận về nỗi ám ảnh “nhiễm trùng huyết cao” đe dọa mạng sống bất kỳ ai.
Giai ma loai reu chua benh
Dớn trắng có tác dụng duy trì các xác chết ngàn năm, hấp thụ carbon và chữa lành vết thương. 
Khoảng tháng 12/1915, một báo cáo tại Anh cảnh báo hàng ngàn người bị thương bị đe dọa sắp kiệt sức do thiếu băng gạc y tế. Trong cảnh tuyệt vọng khi không thể giữ cho vết thương khỏi sự nhiễm trùng, các bác sĩ cố gắng rửa vết thương bằng dung dịch clorua hay tạo ra băng gạc bằng cách tẩm axit carbolic, formaldehyde hay thủy ngân clorua… Tỷ lệ thành công rất đa dạng, nhưng phút cuối, sự cố nảy ra: thiếu bông.
Các lực lượng quân Đồng minh đã làm gì? Một nhà thực vật học kiêm chuyên gia phẫu thuật người Scotland đã nảy sinh ra một ý tưởng kỳ lạ: nhồi rêu vào vết thương.
Vâng, đó là rêu, một loài cây thực vật. Loài rêu đó được biết đến dưới cái tên dớn trắng (Sphagnum moss), mọc ở các bãi bùn vào mùa đông, ở khí hậu lạnh, ẩm ướt ở quần đảo Anh và miền Bắc nước Đức.
Ngày hôm nay, loài rêu thân nhỏ xíu này được sử dụng rộng rãi chủ yếu trong nông nghiệp và nhiên liệu sinh học, đó là chưa kể đến vai trò bảo quản xác chết của nó, như xác ướp bùn 1.000 năm tuổi mang tên quý ông Tollund mà tạp chí Smithsonian từng đăng tải. Và trong ít nhất 1.000 năm qua, loài người đã dùng dớn trắng để giúp chữa lành các vết thương.
Vào thời cổ đại, các nguồn tài liệu Gaelic-Ireland đã viết rằng những chiến binh trong trận chiến Clontarf đã sử dụng dớn trắng để băng bó vết thương. Loài rêu này cũng được dùng bởi người Mỹ Anh-Điêng dưới dạng tã trẻ em thiên nhiên.
Nó cũng được dùng trong những trận chiến không liên tục bao gồm các cuộc chiến Napoleon và Pháp-Phổ. Cho mãi đến khi diễn ra đại chiến thế giới lần thứ nhất thì các chuyên gia y tế mới nhận ra tiềm năng đầy đủ của loài rêu này.
Vào những ngày sơ khởi của đại chiến, nhà thực vật học nổi tiếng Isaac Bayley Balfour và chuyên gia phẫu thuật quân sự Charles Walker Cathcart đã nhận dạng 2 loài dớn trắng có tác dụng thần hiệu trong việc cầm máu và giúp chữa lành vết thương: S. papillosum và S. palustre, cả 2 loài rêu này đều mọc rất phổ biến ở Scotland, Ireland và Anh, cũng như thật sự đã được sử dụng rộng rãi ở Đức.
Trung tá E.P. Sewell của bệnh viện đa khoa ở Alexandria (Ai Cập) đã viết rằng: “Dớn trắng là một thứ dễ hấp thụ, chất lượng vượt xa vải bông và khả năng khử mùi đáng kinh ngạc”.
Nhưng sao ngày nay không nghe thấy ai nói về các loại băng rêu? Thật ra thì thu hoạch dớn trắng tốn rất nhiều công lao động. Nhưng chắc chắn một điều rằng, giá trị thực của loài rêu này còn vượt quá những cái băng gạc bình thường.
Đó là, những đầm lầy than bùn có chứa đầy ắp cây dớn trắng và các loài rêu khác trải qua hàng ngàn năm đã tự động hấp thụ carbon ở các tầng đất chìm.
Nếu lớp vỉa than này chẳng may bị tan băng hoặc khô đi thì đồng nghĩa sẽ đối mặt với nguy cơ rò rỉ carbon vào bầu khí quyển. Và vì nhân loại không còn dùng băng gạc từ dớn trắng nữa nên các nhà khoa học sợ rằng các vỉa bùn và đầm lầy có thể chịu tác động tiêu cực từ hoạt động nông nghiệp và công nghiệp hay than bùn dùng cho nhiên liệu sinh học.
Bên cạnh vai trò điều hòa khí hậu toàn cầu, các vỉa than bùn còn là những hệ sinh thái giàu có, là nơi sinh trưởng của các loài cây ăn thịt.
Theo Thuận Bình/Giaoducthoidai.vn