Ngày 20/7/2022, Chi nhánh Trung tâm Công nghệ Chống Hàng giả Việt Nam tại TP HCM phối hợp với Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM tổ chức hội thảo “Thuốc - Thực phẩm chức năng - Giải pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp.”
|
Tội phạm buôn lậu và hàng giả, đặc biệt là thực phẩm chức năng, ngày càng sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả. Ảnh minh họa |
PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cấp phép Lưu hành Thuốc cho biết, theo ước tính của nhiều tổ chức trên thế giới, quy mô thị trường thuốc giả khoảng 80 tỷ USD.
Ở Việt Nam, ngoài dược phẩm, thị trường sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình các bệnh mạn tính; do tuổi thọ tăng, do thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, đã bùng nổ tình trạng kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box, bán hàng đa cấp, chuyển hàng qua bưu điện hoặc qua người vận chuyển…
Với hình thức này người kinh doanh không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại. Do đó, cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa sản xuất kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng và an toàn.
Việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại và sử dụng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng (chuyên gia y dược, nghệ sĩ…) để quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm cũng bùng nổ theo sự phát triển công nghệ nghe nhìn và phương tiện truyền thông đại chúng.
Các chuyên gia nhấn mạnh, tội phạm buôn lậu và hàng giả ngày càng sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả. Do đó, các nhà quản lý và sản xuất cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ.
Theo một số chuyên gia cần áp dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn trên hệ thống mã hóa (blockchain), internet vạn vật (IoT), nhận dạng qua tần số vô tuyến, xử lý ảnh kĩ thuật số (IP)…
Đặc biệt, tần số vô tuyến sử dụng trường điện từ tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ hỗ trợ được gắn vào sản phẩm để theo dõi sản phẩm từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tay người tiêu dùng.
Trong hội thảo, Chi nhánh Trung tâm Công nghệ Chống Hàng giả Việt Nam tại TP HCM cũng giới thiệu các giải pháp chống giả như giải pháp chống giả ACT và giải pháp chống giả Truedata.
Theo ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Công nghệ Chống Hàng giả Việt Nam tại TP HCM, Truedata là giải pháp chống hàng giả và theo vết sản phẩm. Theo đó, đường đi của sản phẩm song song với đường đi của dữ liệu. Dữ liệu của sản phẩm được tạo ra tự động khi sản phẩm được vận chuyển hay phân phối đến tay người tiêu dùng thông qua các trạm nhập - xuất được lắp đặt trên hành trình lưu thông của sản phẩm.
Với khả năng truy vết, Truedata kết nối từ nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị vận chuyển (logistics) cho đến cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM nói rằng, xử phạt chỉ là giải pháp xử lý phần ngọn.
Bà Phong Lan đánh giá “Một trường hợp hàng gian, hàng giả được các cơ quan quản lý bắt được, xử phạt; thực tế con số sản phẩm hàng giả, hàng gian lưu hành trên thị trường có thể gấp 9,10 lần như thế; và người dân đã tiêu thụ rồi.”
Những sai phạm xảy ra ngày càng tinh vi và nhanh. Vì vậy, để chống hàng gian, hàng giả một cách hiệu quả, toàn xã hội cần vào cuộc từ cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm - thực phẩm chức năng và người dân.
PGS.TS.DS Phong Lan hy vọng các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng sớm đưa các giải pháp công nghệ vào quản lý, truy vết sản phẩm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ đoạn hợp tác hóa hàng lậu, hàng giả:
An Quý