Sáng 22/8, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội làm việc với các bệnh viện của T.Ư, Hà Nội, bệnh viện tư nhân về công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Chia sẻ tại cuộc họp, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư Trần Danh Cường cho biết, bệnh viện nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, có 3 cổng, thuộc 2 phường quản lý.
Tiếp giáp với bệnh viện Phụ sản T.Ư là bệnh viện K đang xây, quanh đó còn có bệnh viện Răng hàm mặt, bệnh viện Việt Đức. Mỗi ngày, khu vực bệnh viện có khoảng 5.000 người ra vào trên diện tích nhỏ khoảng 1,37ha. Số người có thể bằng một xã, nhưng diện tích chỉ bằng một thôn. Mật độ rất dày.
|
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư Trần Danh Cường |
“Mà truyền thống của người Việt là một người đi đẻ cả họ đi theo. 1 phụ nữ vào đẻ số người đi theo từ 15-20 người, tay xách nách mang, túi to túi nhỏ, làn lớn làn bé… quản lý hết sức khó khăn. Cái đó chính là nguồn lây. Ai mà đi quản lý được hết cả tã, bỉm”, ông Cường nói.
Vì thế, theo ông Cường, ở bệnh viện Phụ sản T.Ư có nhiều khó khăn, dễ lây nhiễm, đặc biệt, nếu lây nhiễm ra em bé thì rất sợ. Cho nên công tác phòng chống dịch của bệnh viện được triển khai từ trước Tết, ngay từ khi tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán được công bố.
Theo ông Cường, bệnh viện đã phân luồng đi theo một cổng Tràng Thi và thực hiện nghiêm tất cả các văn bản chỉ đạo của T.Ư, Bộ Y tế và Hà Nội từ tháng 2 đến giờ và không nghỉ, không bỏ. Kể cả sau này, khi nhiều bệnh viện bỏ hết hàng rào ở cổng thì bệnh viện C không bỏ một lúc nào.
“Nhiều người trách tôi khắt khe quá, và làm thế nguy hiểm đến phát triển kinh tế, gây rắc rối cho việc khám chữa bệnh. Tôi bảo không. Nhà nước chưa bỏ một văn bản nào thì tôi vẫn phải thực hiện”, ông Cường nói, đồng thời cho biết, nhiều ý kiến cứ trách không có đủ xét nghiệm, nhưng nếu thực hiện sàng lọc kỹ thì không việc gì phải xét nghiệm.
“Chúng ta cứ thực hiện nghiêm tất cả công việc nhà nước giao đi thì không phải xét nghiệm và số xét nghiệm sẽ giảm. Để một bệnh nhân 8-9 ngày đi khắp các khoa trong bệnh viện thì không được, phải rất tinh tường, phải rất nghiêm túc. Nên tôi rất khắt khe ở khu sàng lọc. Rất nhiều người khó chịu nhưng tôi nói rằng đây là quy định của nhà nước, không thể bỏ được. Nói chống dịch như chống giặc, bây giờ để giặc vào nhà thì chết dở”, ông Cường nói. Theo ông Cường, vừa rồi, qua đánh giá, bệnh viện đạt 84% an toàn theo tiêu chí của Bộ.
Ông Cường kiến nghị gay gắt về việc đảm bảo an ninh trật tự, văn minh đô thị ngoài cổng bệnh viện. Theo ông Cường, taxi, xe ôm hàng ngày đỗ, đứng bên đường chi chít, không đeo khẩu trang, bệnh viện muốn đuổi nhưng không đuổi được vì đó là đất của phường.
“Có lần tôi đùa, có một ông đứng trong cổng barie, ông hút thuốc lá, thân ở trong bệnh viện, nhưng không đuổi được vì đường là của người khác, không phải của bệnh viện. Chúng tôi không có quyền hành gì”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho biết, các hàng quán ở cổng bệnh viện ngồi cơ động bằng hộp xốp, không cần ghế, vì hộp xốp rẻ, nếu có công an đi thu thì cũng không thiệt hại gì. Việc xử lý đó cũng không phải thẩm quyền của bệnh viện, nên dù muốn làm văn minh cho vỉa hè, nhưng vẫn không được.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng thông tin có hiện tượng “cò mồi” mặc đồng phục, đứng giãn cách rất đúng khoảng cách ngoài đường, đóng vai trò dắt xe cho bệnh nhân. Dắt xong thì bảo bệnh nhân ra chỗ khác khám. “Họ tuyên truyền một câu là bệnh viện bây giờ đầy dịch, đừng vào. Rất nhiều bệnh nhân phản ánh nhưng không có bằng chứng vì người ta sợ, không ghi âm, chụp ảnh được. Hoạt động “cò mồi” rất ngang nhiên. Vì chúng ta không đủ bằng chứng thì làm gì. Mà nghe nói có bắt lên phường phạt 300 nghìn rồi về lại làm tiếp”, ông Cường chia sẻ.
Ông Cường cho rằng, trục đường qua bệnh viện rất đẹp, nhưng rất nhếch nhác, mong muốn thành phố có chỉ đạo để bệnh viện phối hợp giải quyết. Hơn nữa, từ những hàng quán nhếch nhác này, nguy cơ không thể kiểm soát được nguồn lây virus, tình hình an ninh trật tự.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản, nhà nước hướng dẫn như thế nào bệnh viện thực hiện y như thế, không sáng tạo. Như vừa qua, Bộ Y tế có công văn hạn chế người vào thăm, 1 người chăm 1 bệnh nhân chúng tôi làm rất nghiêm. Taxi không được vào bệnh viện, xe chở hàng hóa vào theo một cổng và phun khử khuẩn 100%.
Về những kiến nghị của ông Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, thành phố sẽ thông tin cho quận Hoàn Kiếm phối hợp với bệnh viện để xử lý, đặc biệt là tình trạng vỉa hè và cò mồi.
Theo Tiền Phong